Lao động làm nông nghiệp tiểu vùng Mekong có 50% là nữ

20:33 | 30/03/2018;
Đại biểu các nước dự Hội nghị tiểu vùng Mekong khẳng định, nông nghiệp có vị trí quan trọng, là "bệ đỡ" cho các ngành kinh tế khác và có nhiều tiềm năng mở rộng thị trường nông nghiệp sạch. 50% lao động trong nông nghiệp tiểu vùng Mekong là nữ.
Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6, chiều 30/3, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức Đối thoại Chính sách cao cấp với phiên thảo luận với chủ đề “Ứng dụng công nghệ cao để thúc đẩy phát triển nông nghiệp khu vực GMS”.
su-dung-cong-nghe-cao-thuc-day-nong-nghiep-gms-4.jpg
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường


Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, phát triển nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong khu vực tiểu vùng sông Mekong, trong đó một trong những giải pháp mấu chốt để phát triển là ứng dụng công nghệ cao.

Nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng cho sinh kế của người dân, đặc biệt là nhóm dân cư thu nhập thấp. Lao động nữ ở khu vực GMS hiện chiếm hơn 50% làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Chính phụ nữ nông thôn đã và đang góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội của GMS.

Trong thập niên vừa qua, tỷ lệ nghèo của các nước GMS đã giảm một nửa nhờ cải tiến công nghệ sản xuất, tăng năng suất, tăng thu nhập trong khu vực nông nghiệp. Nông nghiệp còn tiếp tục giúp đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy xóa đói giảm nghèo và là bệ đỡ quan trọng cho các ngành kinh tế khác. Với lợi thế về nông nghiệp, các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng sẽ còn dư địa rất lớn để chiếm lĩnh thị trường thực phẩm toàn cầu với quy mô 15.000 tỷ USD/năm, và đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với thương mại hàng nông lâm, thủy sản ở mức gần 2.000 tỷ USD/năm.
su-dung-cong-nghe-cao-thuc-day-nong-nghiep-1.jpg
Các đại biểu phát biểu tại phiên thảo luận


Tuy nhiên, nông nghiệp trong khu vực GMS vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như: Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sự mở rộng trong các lĩnh vực đầu tư, xử lý tranh chấp thương mại còn nhiều khó khăn, thị trường giảm tiêu thụ trực tiếp sản phẩm thô, chuyển sang ưa chuộng tiêu thụ các sản phẩm chế biến tinh, giá cả các mặt hàng nông sản biến động trên thị trường thế giới, nguồn tài nguyên đất đai ngày càng bị thu hẹp… Bên cạnh đó, mức sống ngày càng được nâng cao khiến người tiêu dùng đòi hỏi những mặt hàng thực phẩm, nông sản thiết yếu trong đời sống hàng ngày cần đạt tiêu chuẩn sạch, an toàn, có lợi cho sức khỏe. 

Vì thế, việc triển khai những ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp đòi hỏi những quyết sách mạnh mẽ. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng cho sự cạnh tranh; đồng thời xây dựng chuỗi liên kết giá trị để xử lý rủi ro. Các nước GMS cần tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên. Từ đó, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ như giải mã hệ gen, áp dụng công nghệ viễn thám giúp cho quá trình sản xuất nông nghiệp đưa ra được những sản phẩm với giá thành rẻ và chất lượng đồng đều hơn. 

su-dung-cong-nghe-cao-thuc-day-nong-nghiep-gms-3.jpg
Đại biểu tham dự phiên thảo luận


Ông San Vanty - Thứ trưởng Bộ Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia đóng cho biết, cần có thêm nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, thể hiện sự cam kết của chính phủ với doanh nghiệp thông qua các chính sách hỗ trợ. Việc tăng cường chuỗi liên kết giá trị cần sự hiểu biết thấu đáo về định vị vị trí của ngành nông nghiệp GMS trong thị trường khu vực cũng như quốc tế. Do đó, để nâng cao tính cạnh tranh và rút ngắn thời gian đạt được mục tiêu phát triển trong kỷ nguyên số 4.0, cần tiếp cận công nghệ theo hướng tổng thể, không biên giới. Các nước trong khu vực GMS cần tận dụng lợi thế sẵn có để tập trung sản xuất những mặt hàng nông sản đa dạng hơn, song vẫn đảm bảo tốt cho sức khỏe và không gây hại với môi trường. Đây chính là xu thế phát triển bền vững. 

Điều quan trọng khác là tăng cường đầu tư và phối hợp giữa các nước, giữa khối công và khối tư trong khu vực GMS trong các chương trình nghiên cứu, đào tạo, khuyến nông hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, quản lý dịch bệnh và quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng của công nghệ số.

Theo Tổng Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan Anut Visetrojana,  cần thiết lập hệ thống bao trùm tại mỗi quốc gia với những chính sách mạnh mẽ nhằm tăng cường chuỗi liên kết giá trị và cung ứng. Mặt khác, các nước GMS cần xây dựng cơ chế thường xuyên giám sát tiêu chuẩn tại các nông trại và cơ sở chế biến; tuân thủ đầy đủ và chặt chẽ các khâu ở quá trình chế biến…

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn