Lao động nữ chưa qua đào tạo chịu nhiều rủi ro trong kỷ nguyên số

12:01 | 30/11/2018;
Lao động nữ chưa qua đào tạo phải đối diện nhiều thách thức trong lao động - việc làm. Họ thuộc nhóm yếu thế nhất trên thị trường lao động, với tỷ lệ thất nghiệp cao, việc làm bấp bênh, thu nhập thấp, tập trung chủ yếu ở nhóm nghèo…

Sáng nay, 30/11, Hội đồng khoa học Hội LHPNVN phối hợp với Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Lao động nữ chưa qua đào tạo - Những vấn đề xã hội trong kỷ nguyên số”.

Thực tế hiện nay, lao động nữ chưa qua đào tạo phải đối diện nhiều thách thức trong lao động - việc làm. Họ bị hạn chế trong tiếp cận dịch vụ an sinh xã hội và áp lực gánh vác các định kiến trách nhiệm với gia đình.

Đặc biệt, họ thuộc nhóm yếu thế nhất trên thị trường lao động, với tỷ lệ thất nghiệp cao, việc làm bấp bênh, thu nhập thấp, tập trung chủ yếu nhóm nghèo, sống ở nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số; ở nhóm phụ nữ lớn tuổi, học vấn thấp. Trong điều kiện hội nhập kinh tế toàn cầu, nữ lao động chưa qua đào tạo lại càng khó khăn hơn, nguy cơ mất việc làm cao hơn.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, đánh giá những vấn đề cơ sở lý luận và thực tiễn về các vấn đề xã hội của lao động nữ chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật trong thời đại kỷ nguyên số; đặc biệt là trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

 

l2.jpg
Hội thảo khoa học quốc gia “Lao động nữ chưa qua đào tạo - Những vấn đề xã hội trong kỷ nguyên số” diễn ra sáng 30/11 tại Hà Nội
 

 

Đồng thời, các đại biểu cũng chia sẻ, cung cấp thông tin khoa học về các vấn đề liên quan đến phụ nữ, hôn nhân - gia đình, kinh tế phi chính thức và bình đẳng giới, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội của lao động nữ chưa qua dào tạo, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội.

Ông Trần Quý Long, Viện nghiên cứu Gia đình và Giới, cho biết: Theo điều tra lao động việc làm năm 2016, tỷ lệ nữ giới chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật cao hơn so với nam giới (81,6% với 76,7%). Thu nhập của lao động nữ chưa có trình độ rất thấp, chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng (so với lao động trình độ đại học khoảng 6 triệu), mức thu nhập của nữ giới cũng thấp hơn nam giới.

Ông Long cho biết, tỷ lệ không được đào tạo của lao động nữ càng nhiều tuổi càng lớn, phụ nữ người dân tộc thiểu số được đào tạo thấp hơn phụ nữ người Kinh, phụ nữ nông thôn thấp hơn phụ nữ thành thị...

 

lao-dong-nu-chua-qua-dao-tao2.jpg
Bà Vương Thị Hanh, nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPNVN, thảo luận

 

Bà Vương Thị Hanh, nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPNVN, cho rằng, tỷ lệ nữ lao động chưa qua đào tạo quá cao (trên 80%), điều này đặt ra vấn đề: Lý do vì sao? Trách nhiệm thuộc về ai? Vì người lao động không muốn đào tạo hay vì chưa có chiến lược, chính sách phù hợp, chưa đầu tư thích hợp? Chúng ta phải làm gì để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đóng góp cho sự phát triển của đất nước?

l1.jpg
Ảnh minh họa

 

Còn GS.TS Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng, cần phải gắn đào tạo cho lao động nữ với tạo việc làm. Thực trạng phổ biến ở Việt Nam hiện nay là lao động đào tạo xong (đặc biệt là lao động được đào tạo sơ cấp, thời gian đào tạo dưới 1 năm) thường không tìm được việc làm phù hợp, không đáp ứng yêu cầu công việc của các doanh nghiệp trong thời kỳ Công nghiệp 4.0.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn