Lao động nữ góp sức "xanh hóa" ngành dệt may

16:33 | 21/11/2024;
Gắn bó với nghề may được 5 năm, chị Lưu Thị Thu Hương (25 tuổi, ở huyện Vũ Thư, Thái Bình) hiện làm công nhân tại một doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh. Chị Hương cho biết, thời gian qua, bản thân chị đã tham gia nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn phân loại rác, tái chế vải vụn... nhằm hướng tới sản xuất “xanh”.

Kinh tế "xanh" - bền vững đang là xu thế toàn cầu. Là một trong những ngành mũi nhọn xuất khẩu của Việt Nam, ngành dệt may, nơi tập trung hơn 70% lực lượng lao động nữ, cũng không nằm ngoài xu thế này.

Bà Bùi Thị Hoàn, Giám đốc Công ty cổ phần Thêu may Mỹ Đức, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp huyện Mỹ Đức (Thành phố Hà Nội), cho biết, với xu thế kinh tế "xanh", doanh nghiệp đã và đang dần chuyển đổi, từ việc tận dụng nguồn nước mưa tự nhiên kết hợp công nghệ lọc, không chất hoá học trong khâu ủi, giặt, sản xuất đến xây dựng hệ thống làm mát bằng hơi nước, không sử dụng điều hoà trong môi trường làm việc để hạn chế khí đốt thải ra môi trường… 

Trong xu thế chuyển đổi "xanh" đó, lực lượng lao động đóng vai trò then chốt.

Theo bà Hoàn, đội ngũ nhân sự là yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp thực hiện "xanh hóa". Đây cũng là một trong những yêu cầu mới đặt ra với doanh nghiệp dệt may khi ngoài thay đổi quy trình sản xuất đã vận hành hàng chục năm nay, giờ đây, ngành dệt may nói chung và các doanh nghiệp dệt may nói riêng còn phải thay đổi nhận thức, nâng cao trình độ chuyên môn của nhân sự. 

Nhận thức được điều này, doanh nghiệp của bà Hoàn đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho người lao động về bảo vệ môi trường; đồng thời, hỗ trợ người lao động trong những bước đầu chuyển đổi công nghệ, bảo vệ môi trường, bởi "áp dụng công nghệ mới liên tục, người lao động không thể dễ dàng áp dụng ngay được".

Từ kinh nghiệm chuyển đổi "xanh" tại Tổng Công ty Cổ phần May 10, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần May 10, cho biết, May 10 đã xây dựng 3 chiến lược chính trong 5 năm trở lại đây. 

Một là chuyển đổi trong chuỗi cung ứng, "xanh hoá" trong nhiên liệu sản phẩm, tăng tỷ trọng 20%-30% sản phẩm xuất khẩu là từ sợi tái chế, sợi tự nhiên có nguồn gốc từ cây tre, cây thông, cây đay… 

Hai là môi trường xanh, tăng diện tích cây xanh tại nơi làm việc cho người lao động, sử dụng nguồn năng lượng mặt trời - năng lượng có thể tái tạo được. Ba là năng lượng "xanh", thay toàn bộ luồng hơi là ép từ than đá sang đốt nhiên liệu sinh khối để tránh thải khí carbon.

Ông Thân Đức Việt cho rằng, ngành dệt may Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức song lợi thế cũng nhiều. "Trong bối cảnh như hiện nay, các yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường ngày càng khắt khe, ngành dệt may buộc phải thay đổi để phù hợp với quốc tế, tăng giá trị và sản lượng xuất khẩu", ông Việt nói.

Dệt may là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đóng góp khoảng 20% GDP của cả nước. Dệt may là ngành mang lại cơ hội việc làm lớn tại Việt Nam, với khoảng 3 triệu lao động, trong đó, nữ giới chiếm tới 70% tổng số lao động toàn ngành. Điều này được cho là một lợi thế của ngành dệt may Việt Nam trong chuyển đổi "xanh" bởi lực lượng lao động khéo tay, linh hoạt, có khả năng thích ứng nhanh với chuyển đổi, ham học hỏi...

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), cho biết, mặc dù năm 2023 gặp nhiều khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu dệt may của nước ta đạt 40,3 tỷ USD. Năm 2023 cũng ghi nhận sự bứt phá về thị trường xuất khẩu của ngành dệt may, với 104 thị trường, vùng lãnh thổ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn