Lao động nữ làm nhiều việc dễ bị máy móc, robot thay thế

12:12 | 15/10/2019;
Lao động nữ nước ta hiện có khoàng 22,3 triệu người, tập trung chủ yếu ở các nhóm ngành nghề lao động “chân tay”. Họ là đối tượng yếu thế và dễ bị tổn thương hơn do không nhận được sự đối xử công bằng trong nhiều trường hợp; đồng thời phải đối diện với nguy cơ mất việc, bị thay thế bởi máy móc, robot.

Sáng nay 15/10, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) và Samsung Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn Đa phương 2019 với chủ đề “Nâng cao quyền năng của Phụ nữ tại nơi làm việc trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0”.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng: Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã dành sự quan tâm xứng đáng cho phụ nữ và lực lượng lao động nữ, thể hiện qua việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách cải thiện và nâng cao điều kiện làm việc, đời sống vật chất, tinh thần, bình đẳng giới, vị thế của lao động nữ tại nơi làm việc, hướng tới đảm bảo sự phát triển toàn diện, bền vững; qua đó góp phần nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ trong đời sống xã hội. Đặc biệt, trong thời đại mới có sự tác động đa chiều Công nghiệp 4.0 với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ đặt ra vấn đề tiếp tục tìm giải pháp và hoạt động nhằm hỗ trợ phụ nữ vượt qua thách thức, vươn lên trong thế kỷ mới.

Theo nghiên cứu, lực lượng lao động nữ trong độ tuổi lao động của nước ta đạt 22,3 triệu người (chiếm 45,6%). Chuyên gia nghiên cứu độc lập, bà Vũ Thu Hằng đặt câu hỏi: Trước sự tác động ngày càng mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, phụ nữ - lao động nữ Việt Nam đang đứng ở vị trí nào? Một thực tế đang diễn ra, lao động nữ đang chịu tác động lớn nhất và chưa được đánh giá đầy đủ. Lao động nữ là đối tượng yếu thế và dễ bị tổn thương hơn do không nhận được sự đối xử công bằng trong nhiều trường hợp. Tình trạng này diễn ra ở cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực phi chính thức.

Theo bà Vũ Thu Hằng, tác động của cách mạng khoa học công nghệ, lao động nữ khu vực có quan hệ lao động lại là nhóm dễ bị thay thế nhất. Cụ thể như các ngành da giày, dệt may chiếm tỷ lệ rất lớn lực lượng lao động nữ tập trung ở những công việc “chân tay”, đòi hỏi trình độ tay nghề ở mức vừa phải. Ngày càng nhiều dây chuyền sản xuất đưa robot, máy móc tự động vào quy trình sản xuất, thì chính lực lượng lao động nữ là nhóm dễ bị mất việc làm nhất.

 

Lao động nữ trong độ tuổi lao động của nước ta đạt 22,3 triệu người, nhưng lại tập trung ở nhóm ngành nghề dễ bị thay thế bởi khoa học công nghệ. Ảnh minh họa

 

Phát biểu tại diễn đàn, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam, cho biết, doanh nghiệp này hiện đang sử dụng khoảng 140 ngàn công nhân viên người Việt Nam thì có tới 70% là lao động nữ. Thời gian qua, doanh nghiệp này đã có nhiều hoạt động chăm lo cho lực lượng lao động nữ, cụ thể như xây thêm các khu nghỉ ngơi dành riêng cho phụ nữ; đồng thời thực hiện các quy định của pháp luật về chế độ, chính sách cho lao động nữ, lao động nữ có con nhỏ…

Tại diễn đàn, nhiều đại biểu đến từ cơ quan Đảng, Quốc hội, các bộ ngành và các chuyên gia cùng thảo luận về những khó khăn, thách thức và cả triển vọng của Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể đem lại cho lao động nữ, đặc biệt là những doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo. Qua đó, diễn đàn đưa ra các kiến nghị giải pháp đa chiều đối với việc hoạch định chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước nhằm tạo ra môi trường lao động an toàn và tôn trọng, tăng cường vai trò lãnh đạo của phụ nữ; cải thiện tiếp cận nguồn lực và cơ hội công bằng, cũng như vai trò chủ động của lao động nữ bắt kịp xu thế trong thời đại công nghiệp 4.0…

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn