Về vấn đề này, luật sư Phạm Thanh Hữu (THƯ VIỆN PHÁP LUẬT) tư vấn như sau:
Căn cứ Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ sinh con sẽ được nghỉ hưởng chế độ thai sản nếu đáp ứng các điều kiện sau:
- Trường hợp mang bầu thông thường: Phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
- Trường hợp thai yếu mà phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền, phải đủ 02 điều kiện sau:
+ Đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên.
+ Đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con.
Căn cứ khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
Lưu ý: Căn cứ Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ sinh con được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con. Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.
Hiện nay, theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP, mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng (02 lần mức lương cơ sở bằng 3.600.000 đồng).
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn