Lao động nữ Việt Nam vẫn 'vướng' nhiều rào cản

12:57 | 12/06/2018;
Theo báo cáo 'Vai trò của nữ giới trong sự phát triển bền vững của doanh nghiệp' của Navigos, nhiều 'rào cản vô hình' vẫn đang tiếp tục ngăn trở sự phát triển của phụ nữ trên thị trường lao động.

Mặc dù hầu hết doanh nghiệp Việt Nam không “công khai” chính sách phân biệt giới tính trong tuyển dụng và sử dụng lao động, nhưng trên thực tế, lao động nữ vẫn gặp không ít khó khăn so với nam giới, trong quá trình tuyển dụng và làm việc.

3.jpg
Sự bất bình đẳng giới vẫn đang tồn tại trên thị trường lao động Việt Nam

Theo kết quả cuộc khảo sát được thực hiện với 1.000 người tìm việc và ứng viên trong cơ sở dữ liệu của VienamWorks, vấn đề bình đẳng giới vẫn chưa thực sự được thực hiện nghiêm túc tại nhiều doanh nghiệp. “Vẫn tồn tại cảm nhận về khoảng cách trong vấn đề tuyển dụng, lương và khen thưởng công bằng giữa hai giới”, theo góc nhìn của các ứng viên chưa có kinh nghiệm quản lý.

Trong tuyển dụng, có 54% ứng viên được hỏi cho biết, doanh nghiệp nơi họ đang làm việc có chính sách tuyển dụng công bằng, không phân biệt giới. Trong khi đó, có 42% cho biết doanh nghiệp của họ không có chính sách này hoặc họ không biết chắc chắn có chính sách này hay không. Đặc biệt, có 39% ứng viên nam tham gia khảo sát chia sẻ họ từng được tuyển dụng chỉ với lý do họ là nam giới, còn 19% ứng viên nữ cho biết họ từng bị từ chối chỉ vì lý do là nữ giới!

1.jpg
Những phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý hiện đang chịu áp lực từ ít nhất 3 rào cản lớn

Về chính sách tiền lương và đãi ngộ, 54% ứng viên nữ cho rằng có sự công bằng trong khi có tới 74% ứng viên là nam giới có cùng quan điểm này; 40% ứng viên nữ nhận định không công bằng hoặc không chắc chắn có sự công bằng, cao hơn nhiều so so với 22% ứng viên nam lựa chọn câu trả lời này.

Tuy nhiên, điểm tích cực mà các ứng viên này chia sẻ, là tại doanh nghiệp họ đang làm việc, nữ giới ngày càng có cơ hội đảm nhận nhiều vị trí lãnh đạo cấp quản lý. Hơn 40% ứng viên trả lời khảo sát cho biết tại công ty họ, nữ giới nắm các vị trí quản lý từ cấp trung (trưởng nhóm) đến cấp cao (Tổng Giám đốc) chiếm từ 30% trở lên.

Với nhóm ứng viên cấp quản lý, có tới 39% cho biết doanh nghiệp họ không có chương trình dành riêng cho việc phát triển lãnh đạo nữ. 37% nói rằng việc phát triển lãnh đạo nữ không nằm trong kế hoạch chiến lược của doanh nghiệp mình. Theo họ, những khó khăn lớn trong quá trình phát triển một lãnh đạo nữ là sự thiếu trao quyền và thiếu sự cố vấn từ các cấp lãnh đạo cao cấp, thiếu chính sách hài hòa giữa công việc và gia đình cũng như thiếu các chính sách đào tạo dành cho các lãnh đạo nữ.

Những số liệu từ khảo sát cho thấy, hiện có ba rào cản lớn nhất đối với lãnh đạo doanh nghiệp là phụ nữ, bao gồm: Bị so sánh và đánh giá không công bằng so với lãnh đao là nam giới; thiếu sự hỗ trợ và thấu hiểu từ gia đình, và phải chịu các định kiến xã hội về vai trò của phụ nữ đối với gia đình. Đó cũng là nguyên nhân dẫn tới những lo lắng và căng thẳng đối với những phụ nữ nuôi tham vọng thăng tiến trong sự nghiệp.

4.jpg
Dù còn không ít khó khăn, nhưng khát vọng vươn lên trở thành lãnh đạo giỏi vẫn đang được nhen nhóm trong nhiều phụ nữ Việt Nam

Khi được hỏi mục tiêu của phụ nữ muốn vươn lên vị trí làm lãnh đạo, 71% ứng viên tham gia khảo sát trả lời họ có đam mê trong công việc, 65% cho biết họ muốn chứng tỏ năng lực của bản thân và 54% chia sẻ họ mong muốn phát triển con người. Điều đó cho thấy, mặc dù đang “vướng” không ít rào cản, thách thức, nhưng nhiều phụ nữ vẫn không ngừng mong muốn trở thành nhà lãnh đạo giỏi.

Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành của Navigos Search, cho rằng: "Doanh nghiệp cần xác định sự đa dạng ngay từ trong chiến lược hoạt động của doanh nghiệp mình để phát huy tối đa sức mạnh của đội ngũ nhân viên và đội ngũ quản lý. Mặc dù có thể sẽ còn có những khó khăn trong việc triển khai các chính sách về đa dạng giới, nhưng doanh nghiệp có thể thực hiện luôn được chính sách hỗ trợ nữ giới như chính sách về sức khỏe, chính sách cân bằng công việc và cuộc sống, các chính sách về huấn luyện và đặc biệt là luôn cần đảm bảo việc đánh giá công bằng và tạo điều kiện phát triển công bằng cho nhân viên ở cả hai giới".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn