KHÓ KHĂN CHỒNG CHẤT
Vào giữa tháng 10 vừa qua, khi đang là lao động thời vụ tại một công ty giày da trên địa bàn quận 12, TPHCM, chị Nguyễn Thị Chinh (40 tuổi) nhận được thông báo từ quản lý, chị bị cắt giảm và không cần phải đến công ty nữa. Sau khi mất việc, chị Chinh không nhận được bất cứ khoản hỗ trợ nào từ công ty. Do làm lao động thời vụ, nhận hết các khoản bảo hiểm xã hội vào lương, chị không thể đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp. Cũng kể từ ngày mất việc, toàn bộ chi tiêu trong gia đình phải trông cậy cả vào nguồn thu nhập từ công việc thợ hồ của chồng. "Tôi cũng đã hỏi mấy nơi nhưng chưa tìm được việc, hiện giờ nhiều công ty đang cắt giảm nhân sự nên khó xin việc", chị Chinh nói và cho hay cuộc sống của gia đình vốn dĩ đã khó khăn nay càng thêm khốn đốn. Ngoài tiền thuê nhà 2 triệu đồng/tháng, còn tiền học cho các con, tiền ăn uống và đủ thứ chi phí khác nữa.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thu Vân (38 tuổi, ngụ quận 11, TPHCM) cho biết cũng vừa bị công ty chuyên lĩnh vực in ấn trên địa bàn cho nghỉ việc do đơn hàng giảm. Theo chị Vân, trước đây, vào thời điểm này các công ty in ấn cần rất nhiều lao động thời vụ như chị để kịp tiến độ giao hàng, nhất là các sản phẩm lịch Tết; bao bì, nhãn mác cho các công ty trong lĩnh vực trang sức. Tuy nhiên, năm nay tình thế đã đảo chiều. Là lao động thời vụ nên chị Vân không nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ nào từ công ty, sau khi bị cho thôi việc. "Tôi không ngờ tình hình lại xấu như vậy, chưa biết phải xoay xở thế nào cả. Tôi phải vừa mượn người thân hơn 10 triệu đồng để lo cho gia đình trước mắt. Hiện nay cuộc sống thực sự đang rất khó khăn, chi tiêu hàng ngày vô cùng đắt đỏ. Tết Nguyên đán lại đang cận kề nữa. Tôi hy vọng sẽ sớm tìm được việc trở lại", chị Vân chia sẻ.
Cắt giảm lao động là việc "cực chẳng đã" và cũng khiến cho không ít doanh nghiệp "đau đầu". Thực tế, không chỉ riêng TPHCM, tình trạng cắt giảm lao động, nhất là lao động thời vụ, còn diễn ra ở nhiều tỉnh khác như Đồng Nai, Bình Dương, An Giang… Lao động bị cắt giảm chủ yếu ở các ngành may gia công, giày da, sản xuất gỗ, công nghệ thông tin, kinh doanh bảo hiểm. Thông thường vào thời điểm gần cuối năm, đa số người lao động đều mong muốn được tăng ca để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, diễn biến của tình hình sản xuất kinh doanh năm nay khiến cho nhiều người lao động đang rất hoang mang, có thể rơi vào tình cảnh mất việc bất cứ lúc nào khi Tết Nguyên đán tới gần.
Theo các chuyên gia lao động, xu hướng người lao động không muốn gắn bó với nhà máy đã diễn ra từ lâu và càng rõ rệt từ khi Covid-19 xuất hiện. Việc này xuất phát từ nguyên nhân lao động thời vụ giúp doanh nghiệp dễ xoay chuyển khi gặp sự cố như dịch bệnh, giảm đơn hàng. Bên cạnh đó, do thu nhập đa số công nhân không đủ sống, nhiều người chọn làm thời vụ để nhận luôn các khoản đóng bảo hiểm xã hội vào lương, thêm chi phí trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, giờ đây, khi nhà máy giảm đơn hàng thì lao động thời vụ cũng rơi vào nhóm đối tượng bị cho nghỉ việc đầu tiên vì hai bên trước đó không có ràng buộc nào. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người lao động không được nhận hỗ trợ cũng như đăng ký bảo hiểm thất nghiệp.
LÊN PHƯƠNG ÁN CHĂM LO CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương, cho biết, những tháng cuối năm đang xảy ra tình trạng các doanh nghiệp giảm đơn hàng. Trước thực tế này, có doanh nghiệp đã cho người lao động giảm giờ làm, ngưng việc, thậm chí cắt giảm lao động. Doanh nghiệp bị tác động tiêu cực của nền kinh tế, phải áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo ông Tuyên, trong thời tới, để ổn định thị trường lao động, Sở sẽ tăng cường hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm. Đồng thời thúc đẩy công tác đào tạo nghề cho người lao động để nâng cao năng suất lao động, thu nhập.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, cho biết, hiện nay, có một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, buộc phải cắt giảm lao động như Công ty Samho (Củ Chi), Công ty Tỷ Hùng (Bình Tân)... Ngoài ra, một số doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại thời gian làm việc như không có tăng ca và cho công nhân nghỉ thêm ngày thứ Bảy. Theo ông Lâm, qua làm việc, một số doanh nghiệp cắt giảm lao động có cam kết cố gắng duy trì, tạo điều kiện thuận lợi để những người lao động đang làm việc chưa đủ 12 tháng có đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ngoài ra, còn có một số chế độ liên quan khác thì các đơn vị cũng đang tiếp tục được thực hiện.
Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho hay Sở cũng sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các cái quận, huyện và TP Thủ Đức theo dõi sát tình hình; chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức các cái phiên, sàn giao dịch việc làm, cung cầu. Từ đó có phương án giải quyết, kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động với lực lượng đang bị cắt giảm. Ngoài ra, phối hợp với Ủy ban MTTQVN thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố huy động các nguồn lực xã hội để có phương án chăm lo cho người lao động khi bị nghỉ việc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn