Chị H. (HDV tiếng Trung tại Đà Nẵng), người thông tin về sự việc cho biết, mục đích ban đầu của các thành viên nhóm này là giúp đỡ nhau trong công việc. Nhóm có sự tham gia của các HDV tiếng Trung và các nhân viên cửa hàng Cao su Aotes để theo dõi các hoạt động của du khách nguời Trung Quốc. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều thành viên trong nhóm này thường xuyên đề cập đến vấn đề lịch sử, chủ quyền biển đảo không khách quan, thiếu chính xác khiến nhiều anh em HDV nguời Việt tỏ ra bất bình.
“Nhiều HDV người Trung Quốc từng hoạt động “chui” và nhân viên người Trung Quốc làm việc trong cửa hàng Aotes thường xuyên đề cập đến những thông tin không khách quan về lịch sử và văn hóa của Việt Nam. Chúng tôi nhiều lần lên tiếng cho rằng chuyện chính trị không nên được nêu lên ở đây nhưng họ vẫn có những lời lẽ khiêu khích”, chị H. cho biết.
Đoạn chat của Hao Qing nói "Việt Nam phát động cuộc xâm lược toàn diện Campuchia". |
Chị H. dẫn chứng, thành viên tên Hao Qing từng đưa ra thông tin: “Ngày 25/12/1978, Việt Nam phát động cuộc xâm lược toàn diện Campuchia. Đến 8/1990, tổng cộng là 11 năm 8 tháng. nước này (Campuchia - PV) là đối tượng của nhà cầm quyền Việt Nam thực hiện dã tâm thành lập “Liên bang Đông Dương”, bá quyền Đông Nam Á. Với sự dung túng và chi viện của Liên Xô, Việt Nam đã điên cuồng phát động tiến công xâm lược Campuchia. Đối mặt với sự xâm lược này, quân dân Campuchia đã anh dũng kiên trì đấu tranh, tổ chức chiến tranh du kích ở nông thôn. Cuộc kháng chiến lâu dài này làm cho Việt Nam bị sa vào vũng lầy. Cuối cùng không thể rút quân”.
Trong một đoạn trò chuyện khác, một người có tên tài khoản Zhong Li Ming (HDV du lịch “chui” từng hoạt động tại Đà Nẵng đã về nước) ngang nhiên nói: “Từ trước đến nay, tôi vẫn nói với người Trung Quốc là đừng bao giờ đến Việt Nam, Việt Nam là quốc gia không an toàn”.
Đoạn chat của tài khoản Candy |
Một tài khoản có tên Candy (người đang làm tại cửa hàng Aotes) lại nói: “Các người (ý chỉ HDV người Việt nói tiếng Trung) hướng dẫn nguời Trung Quốc, dùng tiền Trung Quốc, vào của hàng cũng là của người Trung Quốc, lúc dẫn đoàn cũng nói tiếng Trung Quốc vậy sao còn ghét người Trung Quốc. Biết như vậy tại sao còn học tiếng Trung làm gì”.
“Dẫn khách Trung nhiều năm, tôi chưa bao giờ gặp phải khách hàng nào tỏ thái độ về lịch sử hay văn hóa của nước ta, thế nhưng chính những người phục vụ du khách như HDV chui, lao động chui như trên sẽ khiến hình ảnh của hai nước xấu đi trong lòng du khách”, chị H. bức xúc.
Ông Nguyễn Quang Thanh - Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Đà Nẵng, nhận định về sự việc trên: “Thông tin điện tử với môi trường mạng không biên giới hiện nay rất phức tạp và khó xử lý. Muốn làm một sớm một chiều cũng không thể giải quyết ngay nhưng chúng ta vẫn phải kiên trì và quyết liệt. Đặc biệt, việc nắm bắt thông tin rất cần đến sự giúp đỡ của người dân” .
Ông Thanh khẳng định, ngay khi tiếp nhận thông tin phản ánh Sở sẽ có phương án giải quyết, phối hợp với các cấp, ban ngành khác để vào cuộc kiểm tra.
Cuối tháng 7 vừa qua, Sở Thông tin Truyền thông Đà Nẵng xử lý một công ty lữ hành sử dụng thông tin sai lệch về chủ quyền biển đảo trên tờ rơi và website.