Lao động tự do Hà Nội ngóng hỗ trợ trong giãn cách xã hội

16:10 | 18/08/2021;
Đã 3 tuần thực hiện giãn cách xã hội Chỉ thị 17 của UBND TP Hà Nội nhưng những lao động tự do trên địa bàn Tổ dân phố số 3 (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) vẫn chờ hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng. Trong cảnh không việc làm, không thu nhập, gạo cạn kiệt... họ càng ngóng trông vào khoản hỗ trợ trên.

Mang tiếng nhà ở Hà Nội nhưng thật sự khó khăn lắm

Cách nay gần 2 tháng, nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, với tinh thần "Không để ai bị bỏ lại phía sau", Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP. 

20 ngày sau, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3642/QĐ-UBND, trong đó nêu rõ: người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động (lao động tự do) được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/lần.

Tuy nhiên từ đó đến nay đã 4 tuần triển khai, chưa tính đến những trường hợp lao động tự do ngoại tỉnh hiện đang đăng ký tạm trú trên địa bàn gặp vướng mắc về việc phải xin xác nhận ở quê mà ngay đến những lao động tự do (chạy xe ôm, thu gom rác, bán hàng rong,…) có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội cũng chưa được nhận tận tay khoản hỗ trợ này.

Theo rà soát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, dự kiến có trên 324.000 đối tượng được hỗ trợ chính sách đặc thù của TP Hà Nội, tổng kinh phí dự kiến hơn 345 tỷ đồng.

Đây là trường của những người dân ở Tổ dân phố số 3 (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) đang gặp phải. Khảo sát nhanh trong một con hẻm nhỏ của ngõ 63 phố Lê Đức Thọ, các hộ dân phản ánh cho tới thời điểm này, họ chỉ vừa mới hoàn thành xong đơn đề nghị hỗ trợ. Việc này được Tổ dân phố triển khai từ ngày 16/8.

"Tổ dân phố mang đơn đến tận nhà từng hộ dân, tôi chỉ việc kê khai, xong rồi cán bộ mang đi luôn. Theo thông báo của họ, việc triển khai gói hỗ trợ này từ giờ cho tới hết ngày 31/12/2021 mới thực hiện xong. Riêng trường hợp của gia đình tôi, cũng chưa rõ ngày nào mới nhận được", ông Lê Văn Thành (60 tuổi), hộ dân Tổ dân phố số 3 chia sẻ.

Ông Thành là một trong những hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Cả hai vợ chồng ông đều ngoài tuổi lục tuần, không lương hưu, kinh tế gia đình phụ thuộc vào công việc chạy xe ôm và việc nhặt ve chai. "Tôi làm nghề nhặt ve chai, ngày thì được 70.000 đồng, hôm ít thì có 20.000 đồng, cũng có những buổi không được đồng nào", bà Đông Thị Tuyến (62 tuổi), vợ ông Thành chia sẻ.

Kể từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, ông bà đều nghỉ việc ở nhà chung tay chống dịch, những khoản thu nhập ít ỏi trên cũng vì vậy mà không còn nữa. Con cái cũng bị khó khăn bủa vây, ông bà cũng phải tự lực cánh sinh, gạo cũng vì thế mà một vơi đi.

Đây cũng là tình cảnh của gia đình nhiều gia đình làm nghề tự do như buôn bán nhỏ, chạy xe ôm, thu gom rác... ở Tổ dân phố này. Chị X. (xin giấu tên), chia sẻ, công việc buôn bán của chị X đã bị ảnh hưởng từ gần nửa năm nay, còn việc chạy xe ôm của chồng cũng phải dừng hẳn từ ngày 24/7 khi thành phố có lệnh giãn cách xã hội. Là lao động chính trong nhà, ngoài nuôi hai con nhỏ, anh chị còn phải phụng dưỡng cha mẹ già đã ngoài 60 tuổi. Việc không có thu nhập đã khiến đời sống của gia đình bị đảo lộn nghiêm trọng.

"Mang tiếng nhà ở Hà Nội nhưng thật còn khó khăn nhiều lắm. Thời điểm này gia đình tôi vẫn còn lo được cơm gạo, hôm nọ có người đến từ thiện thì được hỗ trợ thùng mỳ tôm. Trong cảnh này, tiền điện nước hàng tháng tăng lên vì mọi người ở nhà cả ngày. Tháng vừa rồi tôi phải chi trả trên 2 triệu tiền điện. Lúc này, chúng tôi rất mong muốn sớm nhận được hỗ trợ của Chính phủ", chị X. tâm sự.

Lao động tự do Hà Nội chờ hỗ trợ trong giãn cách xã hội - Ảnh 2.

Nhiều hộ dân ở Hà Nội làm nghề tự do gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và phải thực hiện giãn cách xã hội

Vẫn đang rà soát, lập danh sách hỗ trợ

Chia sẻ về những trường hợp trên, ông Vũ Mạnh Thắng, Tổ trưởng Tổ dân phố số 3 (phường Mỹ Đình 2) cho biết, "Chúng tôi vẫn đang triển khai việc rà soát, lập danh sách những hộ được hỗ trợ, hầu hết là lao động tự do. Việc này được chia thành nhiều nhóm rà soát, kiểm tra để tránh trường hợp bỏ sót, nên đến bây giờ vẫn chưa có con số thống kê chính xác".

Triển khai hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên, các hộ lao động tự do trên địa bàn tổ dân phố trước, sau đó mới bổ sung những hợp lao động tự do thuê trọ, có đăng ký tạm trú trên địa bàn. Hiện nay, việc rà soát đối với những đối tượng người lao động ngoài tỉnh đang gặp khó khăn trong việc xin xác nhận tại địa phương nơi họ cư trú.

Được biết những ngày qua, trong khi chờ nhận hỗ trợ trong gói 26.000 tỷ, những hộ lao động tự do đã nhận được những suất quà từ những tấm lòng thiện nguyện, mạnh thường quân trên địa bàn phường. Tổ dân phố và Chi hội Phụ nữ đã cùng phối hợp với họ để trao những suất quà này đến tận tay những hộ dân, kịp thời giải quyết nhu cầu lương thực trước mắt.

Tuy nhiên trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, thời gian giãn các xã hội còn kéo dài, nhiều hộ dân bày tỏ mong muốn sớm nhận được khoản hỗ trợ của Chính phủ để kịp thời giải quyết những nhu cầu cấp bách trong cuộc sống (tiền điện nước, thuốc men…).

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn