Lao động và doanh nghiệp cùng kêu khó với mức đóng BHXH mới

17:45 | 31/07/2017;
Cả doanh nghiệp và người lao động đều than khó khi quy định thay đổi mức tiền lương làm căn cứ mới để xác định mức đóng BHXH, áp dụng từ 1/1/2018; cho thấy “cái lợi trước mắt” vẫn được quan tâm hơn là an sinh bền vững.
lao-dong-nu-2.jpg
Tăng mức đóng BHXH đồng nghĩa là tăng mức hưởng chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ hưu... (ảnh H. Hòa) 

Tại buổi thông tin báo chí định kỳ 6 tháng 2017 của BHXH Việt Nam, ông Nguyễn Đức Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông BHXHVN, cho biết: từ 1/1/2018, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có) trên cơ sở mức lương cơ sở. Việc đóng BHXH trên tiền lương thực tế là để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, khi nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ hưu, mức hưởng sẽ cao hơn.

Bà Phạm Thị Liên, công nhân xưởng may tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), cho biết: Làm thuê ở xưởng may nhỏ này được 8 năm, nhưng “không biết tới BHXH” và cũng không nắm rõ là chủ doanh nghiệp có đóng BHXH cho hay không. Trên thực tế, bà chỉ chú tâm đến thu nhập hằng tháng gói trọn trong 4 triệu đồng. Nếu chịu khó nhận việc làm thêm, tăng ca kíp dịp nhiều đơn hàng thì thu nhập có tăng thêm, tằn tiện xoay xỏa tiền ăn, thuê nhà và cho con đi học.

Một giám đốc công ty may ở Hà Đông (Hà Nội) cho rằng, hiện nay kinh tế còn khó khăn, doanh nghiệp chật vật cạnh tranh trên thị trường. Trong khi các khoản tiền dành cho phúc lợi, an sinh xã hội cho người lao động ngày càng cao hơn. Theo vị này, với mỗi người lao động, doanh nghiệp phải đóng khoản BHXH là 17,5% trích từ doanh nghiệp; trong đó 3% vào quỹ ốm đau, thai sản; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất; 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn. Cộng thêm một vài chi phí khác cho người lao động thì tổng số chi phí sẽ là 21,5%.

Còn lại 8% là trích từ lương cuả người lao động đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Vị này cho rằng, với doanh nghiệp nhỏ chỉ khoảng 100 lao động thì khoản chi phí lên tới gần 22% kia sẽ là con số không nhỏ; tạo khá nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

lao-dong-nu-1.jpg
Thay vì than khó, doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ, tiết giảm chi phí sản xuất, chăm lo đời sống người lao động (ảnh H. Hòa) 


Ông Thân Đức Việt, Phó Tổng giám đốc Công ty May 10, cho biết: Riêng mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017, tiền đóng BHXH và các phí khác của công ty đã "đội" lên là 22 tỷ đồng. Từ 1/1/2018 áp dụng cách xác định lương và phụ cấp khác để tính đóng BHXH, thì con số này sẽ còn tăng lên nữa.

Đại diện Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm dầu khí, bà Vũ Thị Hà cũng cho rằng, trên thực tế, dù tăng lương tối thiểu vùng, nhưng thu nhập người lao động vẫn giảm, vì phải tăng mức đóng BHXH và công đoàn phí.

Tại buổi đối thoại giữa doanh nghiệp với lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH mới đây về pháp luật lao động, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Theo quy định, từ 1/1/2018, ngoài những khoản thu nhập tính đóng BHXH bắt buộc theo quy định hiện hành, sẽ bổ sung nhiều khoản thu nhập của người lao động làm cơ sở tính đóng BHXH bắt buộc. Việc này được quy định rõ trong luật, nên “không thể không thực hiện”.

Việc tăng lương và tăng mức đóng BHXH nhằm đảm bảo ổn định đời sống, an sinh xã hội cho người lao động. Giảm bớt khó khăn, áp lực từ việc tăng lương, tăng mức đóng BHXH, các doanh nghiệp thay vì kêu than cần nỗ lực đổi mới công nghệ, tiết giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, chăm lo tốt hơn đời sống người lao động.

Các khoản thu nhập bổ sung khác không tính vào lương để đóng BHXH gồm: Tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 Bộ luật Lao động; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ khi người lao động có thân nhân chết; tiền trợ cấp người lao động gặp khó khăn khi bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn