Lập kế hoạch chi tiêu để tránh rơi vào khủng hoảng tài chính

07:11 | 08/01/2018;
Năm mới mở ra với nhiều mơ ước và dự định. Để thực hiện những điều đó, không ít kế hoạch đã và đang được lập ra. Trong số các kế hoạch ấy, bạn chớ quên lập kế hoạch chi tiêu, nếu không muốn rơi vào “khủng hoảng”.
Năm mới sang là lúc bạn đề ra các mục tiêu mới để phấn đấu. Đương nhiên, muốn thực hiện đươc mục tiêu, cần có một kế hoạch khoa học, cụ thể và khả thi để thực hiện.

Vậy, làm sao để xây dựng được một kế hoạch hoàn hảo? Theo chia sẻ của một số người có kinh nghiệm, trước hết bạn phải tự đặt ra cho mình một số câu hỏi để trả lời. Ví dụ đầu tiên, bạn hãy đặt câu hỏi “Mục tiêu tài chính của mình trong năm 2018 là gì?”.

tay-hom-1.jpg
Năm mới sang là lúc bạn đề ra các mục tiêu mới để phấn đấu. Đương nhiên, muốn thực hiện đươc mục tiêu, cần có một kế hoạch khoa học, cụ thể và khả thi để thực hiện. Ảnh minh họa

Để trả lời câu hỏi này, bạn nên cố gắng đưa ra những mục tiêu thật cụ thể, với các món tiền bổ sung vào từng khoản mục để giúp mình có động lực rõ ràng hơn và có kế hoạch dự tính ngân sách cũng như cân đối chi tiêu cho phù hợp.

Bên cạnh đó, hãy nhìn lại xem bạn đã thực hiện tốt và chưa tốt những gì trong năm 2017, kể cả những hạng mục mà bạn đã chi tiêu ngoài ngân sách dự tính. Bạn chỉ có thể cải thiện tình hình trong năm nay nếu như bạn biết năm vừa qua mình đã chi vượt mức khoản nào.

Bạn hãy dành ra một ít thời gian để xem lại trong 12 tháng qua và xác định những khoản nào không phù hợp. Từ đó, bạn xem mình sẽ khắc phục thế nào cho năm mới.

Điều tiếp theo là phải trả lời câu hỏi: “Sẽ dành ưu tiên cho những mục tiêu cá nhân nào trong năm mới?”. Có nghĩa là phải xác định rõ “đích đến” của những đồng tiền mà mình dành dụm, ví dụ ưu tiên cho nhu cầu giải trí hay du lịch của bản thân, nhu cầu giao lưu kết bạn, hay làm từ thiện…

Bạn nên có một khoản dành riêng hàng tháng cho khoản tiền tiết kiệm và tiền để dành về hưu. Bạn có thể cũng phải “thắt lung buộc bụng” thêm chút nữa. Tóm lại là khi biết vấn đề ở chỗ nào thì bạn sẽ thực hiện dễ dàng hơn.

cach-chi-tieu-kho-tin-cua-co-gai-thu-nhap-6-trieu-dongthang.jpg
Sau khi xác định được mục tiêu, ưu tiên và điểm yếu trong kế hoạch tài chính của mình, bạn hãy bắt đầu phân bổ ngân sách. Ảnh minh họa

Sau khi xác định được mục tiêu, ưu tiên và điểm yếu trong kế hoạch tài chính của mình, bạn hãy bắt đầu phân bổ ngân sách. Những chi phí nào bắt buộc phải chi tiêu hàng tháng như: Điện, nước, internet, bảo hiểm, tiền trả góp, học phí cho con cái…

Đây là các khoản mà bạn phải đưa vào kế hoạch trước và phân bổ lại dựa trên mức thu nhập thực tế. Phần tiền sau khi trừ các khoản đó là số tiền tối đa mà bạn có thể dùng cho những việc còn lại.

Như vậy, bạn đã biết mình còn bao nhiêu tiền sau khi trừ các khoản chi phí bắt buộc và phải đề ra một khoản tiền để dành riêng. Số tiền đó có thể bao gồm những mục tiêu dài hạn như để dành nghỉ hưu, hoặc ngắn hạn như chuyến du lịch…

Cần phải sắp xếp theo thứ tự hợp lý, với các ưu tiên từ quan trọng cho đến những mục đích mang tính thứ yếu. Qua đó, có thể hình dung quá trình tích lũy theo từng tháng hoặc từng quý để thực hiện theo từng mục tiêu.

Để khoản tiền tiết kiệm không bị ảnh hưởng, ngay sau khi nhận lương, bạn hãy trích ra khoản này và chuyển trực tiếp sang tài khoản tiết kiệm. Điều đó sẽ giúp bạn không chi tiêu quá mức đã đặt ra và phần tiết kiệm này được đảm bảo duy trì.

Sau khi đã lên kế hoạch chi tiết, cụ thể như vậy, việc còn lại là bạn phải cố gắng đảm bảo thu nhập đúng như dự kiến và thực hiện theo kế hoạch một cách nghiêm ngặt, tránh tình trạng tùy hứng trong chi tiêu, có thể khiến cho kế hoạch bị “vỡ trận”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn