Lát cam thảo gợi nhớ cả miền ký ức tuổi thơ

10:46 | 31/10/2022;
Có vô số thứ quà vặt ngon lành xuất hiện khiến tôi quên đi món cam thảo. Nhưng đến tận bây giờ tôi vẫn cảm giác như vị ngọt từ miếng rễ cây khô bé xíu còn vẹn nguyên trong hồi ức.

Cạnh bờ ao cuối làng năm xưa, cụ nội tôi dựng lên một cái chòi nhỏ xíu. Ông nội kể rằng cụ mở sạp bán hương, sau đó học thêm nghề hàng mã. Cả làng có mỗi tiệm đồ cúng nên cụ nội làm ăn phát đạt lắm, chẳng mấy chốc cũng gom được của ăn của để. Nhiều năm sau cái chòi tre biến thành ngôi nhà 2 tầng mái ngói, và gia đình tôi nối nghiệp hàng mã cũng qua 3 thế hệ.

Mấy thập kỷ trôi qua, làng mọc thêm nhiều tiệm đồ cúng khác, chợ cũng đầy tiền vàng hương cau. Nhà tôi hao hụt mối làm ăn nên cũng đìu hiu dần. Năm tôi đỗ đại học bố mẹ quyết định bán hết đất đai lên thành phố, tậu cái nhà nhỏ trong ngõ rồi chuyển sang buôn trầm. Cứ mỗi dịp cuối năm, thấy người Hà Nội nhộn nhịp đi mua đồ cúng bái là tôi lại ngẩn ngơ nhớ căn nhà cũ đến nao lòng…

Lát cam thảo gợi nhớ cả miền ký ức tuổi thơ - Ảnh 1.

"Mỗi lần ngồi nhâm nhi cốc nước nhân trần cam thảo, tôi lại nôn nao nhớ về ký ức tuổi thơ"

Ngày ấy làm gì đã có máy móc in nhanh như bây giờ. Từ cụ nội đến ông nội, rồi bố tôi cũng đều làm hàng mã thủ công hết. Ký ức của tôi đã mờ nhạt khá nhiều, nhưng trong cuốn phim tuổi thơ úa vàng tôi vẫn thấy lấm tấm vài khung cảnh ông nội cặm cụi dùng chân kẹp chiếc khuôn gỗ nhỏ, tay cầm những mẩu giấy xanh đỏ lấp lánh áp chặt lên khuôn. Vẽ hình, đục lỗ, cắt viền, dập nổi. Bụi bay mù mịt. Mỗi bông hoa hay hình giấy cắt xong được ông bỏ vào những cái nong tre, loại nào ra loại ấy, trông cứ như vàng bạc châu báu phơi đầy sân.

Tôi còn ngửi được mùi hồ dán “thum thủm” trong chiếc âu da lươn phảng phất trong hồi ức. Hết hồ thì dùng cơm nguội, ông nội sẽ tỉ mẩn dán thành quần áo, giày dép, nhà cửa, mũ nón bằng giấy cho người ta mua đốt. Ngày ấy tôi nghịch lắm, con gái mà quậy hơn cả trai, toàn bị ông nội quất roi vì bày trò. Nhiều bữa tôi trét hồ dày cộp, dính hết mớ hoa xanh đỏ tím vàng lên tủ với tường, thế là cả bố lẫn ông cùng giận đến tím mặt. Cứ nghe tên mình bị thét lên ầm ĩ là tôi ba chân bốn cẳng tìm chỗ núp ngay!

Tôi mê cái đống hoa văn hàng mã của ông nội lắm. Có lần tôi thấy ông dập ra được 1 mớ bông sen giấy đẹp rực rỡ, mắt tôi long lanh như nắng hè. Hôm sau bố tôi bị gọi đến lớp, cô giáo phê bình vì sách vở tôi dính đầy hoa sen! Bọn cùng lớp cứ cười chọc quê, nhưng tôi biết thừa chúng cũng mê mấy cái hình giấy thủ công tinh xảo hàng mã lắm. Vài đứa con gái còn lấy ô mai, kẹp tóc để đổi hoa giấy. Chỉ có điều, nó không phải đồ chơi cho đám trẻ con.

Sát vách nhà tôi có một quán nước nhỏ. Khách đến mua hàng mã hay tiện tạt qua ngồi làm điếu thuốc cái kẹo. Bà con làng xóm cũng thích tụ họp ở đấy “chém gió” đủ thứ từ lông gà đến vỏ tỏi. Chủ quán là cô Bính với thằng con trai tên Nem, nó kém tôi 1 tuổi mà cao hơn hẳn 1 cái đầu. Bố Nem đi làm xa nên ít khi thấy, nó suốt ngày chỉ quanh quẩn bán nước phụ mẹ và chạy sang nhà tôi chơi. Bọn tôi thân thiết với nhau lắm, tôi còn hào phóng chia cho nó “kho báu” vĩ đại toàn hoa văn giấy tôi sưu tập được từ việc “mót trộm” của ông.

Bù lại thì Nem hay “mót” thứ khác từ quầy hàng của mẹ nó dúi cho tôi. Đó là “siêu phẩm” vị giác tuyệt vời nhất tuổi thơ mà cả tôi với Nem đều mê mẩn - những lát cam thảo ở trong gói nhân trần!

Nem là đứa dạy tôi ăn món đó. Tôi cứ nghĩ vị ngọt của Phi-la-tốp là ngon nhất rồi, tới khi ngậm cam thảo trong mồm lần đầu thì đúng là cực đỉnh! Mà thú vị ở chỗ cam thảo không có sẵn, chúng tôi phải lén lút bới tìm trong bịch nhân trần khô của mẹ Nem để gặm. Vì bán quán nước nên dĩ nhiên mẹ Nem toàn cất trà theo kiểu bịch to, nhiều loại thảo mộc pha lẫn nên nhặt cam thảo ra không dễ. Có khi bới cả buổi 2 đứa mới phát hiện ra 2-3 lát. Nó có mùi thơm rất đặc trưng, vị ngọt loang ra cả lưỡi.

Tôi sẽ nhai cật lực đến khi cái bã cam thảo không còn gì nữa mới thôi. Đêm ngủ nhạt mồm tôi còn mơ thấy mình được gặm cả khúc cam thảo, sáng hôm sau đòi mẹ ra chợ mua chục cân mà bà nội cứ cười bò. Rồi bà dặn tôi uống nước nhân trần nhiều không tốt, ăn cam thảo nhiều cũng có hại vì nó là vị thuốc chứ không phải rau dưa. Trẻ con nên chẳng hiểu bà nói gì, tôi vẫn lén đổi hoa giấy của ông để lấy vài lát cam thảo từ thằng Nem ngố.

Một hôm thằng Nem bị mẹ nó phát hiện khi đang lục tìm cam thảo. Với kinh nghiệm “mót trộm” đầy mình, tôi dặn nó bao lần là ăn vụng phải biết chùi mép. Đống nhân trần toàn cây cỏ khô, bới không cẩn thận là nát. Thằng Nem ẩu quá nên móc rớt lá khô tùm lum, mấy lần mẹ nó tưởng chuột cắn nhưng không ngờ bắt được quả tang Nem đang bốc cam thảo cho vào mồm!

Thế là thằng bạn thân của tôi ăn đòn la váng xóm. Mẹ nó tức giận kêu bảo sao dạo này đun nước pha khách toàn chê nhạt, hóa ra cam thảo mất hết không còn miếng nào. Tôi vẫn lén giấu mấy miếng vụn trong túi áo để “ăn dè”, nhưng thấy Nem ăn roi đau quá nên sợ vứt hết đi. Từ buổi đó tôi không còn được nhai thứ thơm ngọt đó nữa, thèm đến nỗi quắt quay.

Rồi vô số món quà vặt khác xuất hiện. Cam thảo rơi vào quên lãng, tôi cũng chả còn nhớ mình từng mê mẩn nó ra sao. Ở Hà Nội thi thoảng ngồi trà đá vỉa hè tôi vẫn kêu nhân trần uống cho đỡ chát miệng, cơ mà quán nào cũng thấy chẳng ngon như cốc nước mẹ Nem pha thời ấu thơ. Thằng Nem đột ngột chuyển nhà đi theo bố năm chúng tôi lên 10 tuổi, giờ chẳng biết nó lưu lạc phương trời nào?

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn