Vào 1 ngày rảnh rỗi mới đây, tôi coi lại các tin nhắn trong bộ lọc trên facebook. Rất nhiều tin quảng cáo xen lẫn các tin nhắn chào hỏi của bạn đọc và người thân quen. Tôi dừng lại ở tin nhắn của 1 cô gái đang sống tại miền Bắc, dòng chữ ngắn ngủi của cô thật ấn tượng: “Cháu chào cô. Cô ơi, cứu cháu với!”.
Quỳnh và con gái đã 16 tháng tuổi |
Đọc tới đọc lui không có số điện thoại, tôi đành nhắn trả lời lại. Và nhìn kỹ, trời ơi, tin mà cô gái gửi cách nay đã hơn 1 năm rồi. Chắc hẳn khi ấy cô có việc nào đó rất khẩn thiết cần sự trợ giúp. Ngày hôm sau, cô gái trả lời lại: “Cô ơi, lúc đó cháu đang có bầu. Người yêu đã bỏ đi không muốn cưới. Giờ thì cháu đã sinh em bé được 16 tháng rồi!”. Một câu chuyện khá kinh điển về sự lầm lỡ của tuổi trẻ. Chúng tôi nói chuyện qua lại, và dần dần tôi hiểu được hơn những suy nghĩ của bà mẹ trẻ đơn thân này.
Nguyễn Thị Quỳnh sinh ra và lớn lên tại xã Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội. Gia đình cô có trang trại trồng ngô, rau và chuối ở ven sông Hồng. Sinh năm 1996, Quỳnh vẫn đang sống trong những ngày đẹp đẽ nhất của tuổi thanh xuân. Nhưng khác với chúng bạn, cô phải làm mẹ quá sớm. Để thực hiện hoàn thiện thiên chức này, Quỳnh đã phải đánh đổi bao nước mắt và nỗi đau.
Năm học lớp 12, Quỳnh quen cậu bạn trai nhà cách đó không xa. Sau khi tốt nghiệp THPT, đôi trẻ chính thức yêu nhau và được sự đồng ý của cả 2 bên gia đình. Quỳnh thi đậu vào trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây và bắt đầu hòa nhập vào cuộc sống sinh viên. Cô đi học xa nhà và vui vẻ sống trong những ước mơ của tình yêu.
Hẹn hò, hạnh phúc đột nhiên chấm dứt sau lần “gần gũi” không có biện pháp bảo vệ của đôi trai gái. Ngày Quỳnh thông báo mang bầu, cậu bạn trai cũng không tới nỗi hoảng hốt, hoang mang lắm. Mọi sự chỉ thay đổi khi gia đình nhà trai nói không hợp tuổi nên động viên Quỳnh đi bỏ thai. Khi em bé trong bụng mẹ được 3 tháng, bạn trai đã đưa Quỳnh vào bệnh viện.
“Cháu đã quyết giữ con lại rồi, cháu chỉ đi để coi thử ý của người ta thế nào thôi. Vì vậy, thấy anh ấy và gia đình quyết liệt muốn bỏ em bé, thì cháu đã hiểu mọi sự!”, Quỳnh kể. Được bố mẹ và anh chị em trong nhà yêu thương lo lắng, Quỳnh dần ổn định để dưỡng thai.
Vượt qua bao khó khăn, bà mẹ đơn thân đã hoàn thành ước mơ học tập của mình |
Hẹn hò, hạnh phúc đột nhiên chấm dứt sau lần “gần gũi” không có biện pháp bảo vệ của đôi trai gái. Ngày Quỳnh thông báo mang bầu, cậu bạn trai cũng không tới nỗi hoảng hốt, hoang mang lắm. Mọi sự chỉ thay đổi khi gia đình nhà trai nói không hợp tuổi nên động viên Quỳnh đi bỏ thai. Khi em bé trong bụng mẹ được 3 tháng, bạn trai đã đưa Quỳnh vào bệnh viện.
“Cháu đã quyết giữ con lại rồi, cháu chỉ đi để coi thử ý của người ta thế nào thôi. Vì vậy, thấy anh ấy và gia đình quyết liệt muốn bỏ em bé, thì cháu đã hiểu mọi sự!”, Quỳnh kể. Được bố mẹ và anh chị em trong nhà yêu thương lo lắng, Quỳnh dần ổn định để dưỡng thai.
Cô bàn bạc với bạn trai: “Nếu anh thấy tuổi tác không hợp thì ngay từ đầu đừng tới với em. Còn giờ mình dám làm thì dám chịu”. Vậy là bạn trai đồng ý, hứa sẽ lo lắng cho 2 mẹ con. Họ đã bàn tính việc sau này mua đất cất nhà. Suốt thời gian Quỳnh mang bầu, đôi bạn vẫn gắn bó qua lại, cho tới ngày sinh em bé. Nhưng không biết vì nguyên nhân gì, mà sau khi Quỳnh sinh con, ông bố trẻ kia biệt tăm, biệt tích không ghé tới thăm 2 mẹ con Quỳnh nữa. Họ hoàn toàn cắt đứt liên lạc dù khoảng cách địa lý vô cùng gần nhau.
Trong suốt khoảng thời gian mang bầu và sinh con, Quỳnh vẫn cố gắng bằng mọi giá để theo học. Sinh con được 1 tháng, thì Quỳnh quay trở lại trường với sự hỗ trợ của các thầy cô giáo và các bạn chung lớp. Nhà cách trường gần trăm cây số, nhưng Quỳnh chưa khi nào nghỉ học. Ngày mưa, ngày nắng, ngày nóng, ngày lạnh, đều đặn ngày nào Quỳnh cũng dậy từ lúc hơn 5h để lo cho con, sau đó chạy xe tới trường.
4 tiếng đồng hồ đi trên đường mỗi ngày, chặng đi và chặng về, rất nhiều lần bà mẹ trẻ nước mắt chảy tràn. Cô nuối tiếc về những khoảnh khắc hồn nhiên của tuổi trẻ; trách móc bản thân sai lầm; và trên hết mọi điều là nỗi lòng thương con.
“Cháu khóc ròng rã 5 tháng trời sau khi sinh em bé. Nhìn hình ảnh ở đâu đó, thấy ông bố âu yếm con cái, mà cháu thương con đứt ruột. “Mẹ sẽ bù đắp tình cảm cho con” là câu nói mà cháu thường xuyên thì thầm với con gái mình. Giờ thì cháu cố gắng học thi để chuẩn bị tốt nghiệp ra trường. Ngã ở đâu thì đứng lên ngay ở đó. Mọi thứ đều phải ráng lên gấp nhiều lần thì mới mong có một cuộc sống tốt sau này!”, Quỳnh tâm sự.
Đi học từ lúc sáng tinh sương và ngay buổi trưa thì trở về nhà để cho con bú, cuộc sống của Quỳnh thực sự vất vả. Vì chạy xe quá xa, lại hoạt động sau khi sinh con quá sớm nên sức khỏe của bà mẹ trẻ bị ảnh hưởng nhiều. Cuối ngày, sau khi con gái đã ngủ, Quỳnh bắt đầu học bài đến khuya. Bữa nào con ốm sốt, phải thức trông coi con, nhưng Quỳnh nhất định vẫn không chịu nghỉ học.
Nhìn thấy Quỳnh như vậy, mẹ cô rất xót xa. Bà từng khuyên con rằng, cũng không cần phải quá mạnh mẽ như thế, đôi khi cũng có thể làm tự tổn thương mình. Nhưng Quỳnh tâm sự: “Cháu thấy vì lỗi lầm của cháu mà bố mẹ đã quá đau lòng. Nên cháu cần phải mạnh mẽ thêm nhiều hơn nữa. Cháu cần phải học thật tốt, ra trường kiếm được công việc để phát triển cuộc sống. Như vậy thì mới ngẩng cao đầu để bước đi”. Theo Quỳnh, cô đang có nhiều kế hoạch để được theo đúng nghề bác sĩ thú y được đào tạo trong trường. Cô vẫn muốn gắn bó với cuộc sống của nhà nông, bằng tư duy quản lý hiện đại và nhanh nhạy hơn.
Kể về những tháng ngày bị khủng hoảng tinh thần lúc đang mang bầu, Quỳnh chia sẻ có vài anh chị phóng viên đã giới thiệu cô với tôi, hy vọng cô tìm được nơi để chia sẻ lúc đang bấn loạn. Gia đình Quỳnh có 4 anh chị em, kinh tế cũng không dư dả, công việc làm vườn của mẹ Quỳnh bị ảnh hưởng do phải giành thời gian chăm sóc em bé trong lúc Quỳnh đến trường. Dù vậy, gia đình này đã luôn yêu thương, là chỗ dựa tuyệt vời cho bà mẹ trẻ vượt qua được những khúc quanh bi kịch trong cuộc đời.
Một công việc sắp tới cho Quỳnh và cùng một lời hứa, tôi nghĩ đó là tất cả những gì mà nghề báo đã mang lại cho chúng tôi. Mong rằng với khí chất sẵn có, bà mẹ trẻ này sẽ có được cuộc sống tươi sáng ở phía trước.