Lấy chồng Hàn, làm sao giảm thiểu rủi ro?

19:50 | 16/08/2017;
Những bi kịch hôn nhân có yếu tố nước ngoài thông qua mai mối bất hợp pháp xuất hiện trên báo chí, truyền thông trong thời gian qua đã ít nhiều khiến cô dâu Việt có tâm lý e ngại. Tuy nhiên, cũng có không ít cô dâu có cuộc sống hạnh phúc nơi xứ người...
Kỳ 1: “Săn” vợ qua mạng và cuộc chạm mặt chớp nhoáng

Kỳ 2: Thâm nhập thủ phủ “xuất khẩu cô dâu” đất Cảng

Kỳ 3: 

Kỳ 5: Kỳ 8: “Thi tuyển” cô dâu Việt trước mặt người nước ngoài là trái đạo lý

Kỳ 9: 


Những thiệt thòi mang tên thiếu hiểu biết

Nhu cầu kết hôn với người nước ngoài của phụ nữ Việt Nam là có thật, mặc dù chúng ta không khuyến khích nhưng rõ ràng đó là quyền con người cần được tôn trọng. Hàng trăm ngàn cô dâu Việt Nam kết hôn với đàn ông Hàn Quốc đã cho thấy nhu cầu, xu hướng đó đang tồn tại ở rất nhiều vùng miền của cả nước.

Mặc dù pháp luật Việt Nam không hạn chế và cũng không khuyến khích điều này nhưng hàng ngày vẫn diễn ra nhiều đám cưới có yếu tố nước ngoài. Theo nghiên cứu của TS. Kim Ye Seon (cán bộ nghiên cứu Viện Nghiên cứu Chính sách Phụ nữ Hàn Quốc), tính đến năm 2015, có 63.297 phụ nữ Việt Nam kết hôn với nam giới Hàn Quốc, chiếm 31,7% cuộc hôn nhân của nam giới Hàn Quốc với phụ nữ nước ngoài.

cuoi123.jpg
Cô dâu, chú rể thực hiện nghi lễ trong đám cưới theo phong tục tập quán nơi cô dâu sinh ra và lớn lên


Tuy nhiên, đáng buồn thay hầu hết các cuộc hôn nhân với đàn ông Hàn Quốc đều do các “bà mối” bất hợp pháp giới thiệu. Theo số liệu của Hội LHPN TP Cần Thơ, trong số 2.932 cô dâu tham gia chương trình giáo dục định hướng thì có 76,67% trường hợp kết hôn thông qua giới thiệu từ người quen, họ hàng; 21,5% cô dâu kết hôn thông qua môi giới.

Mặc dù phía Hàn Quốc có rất nhiều công ty môi giới hoạt động hợp pháp. Tuy vậy hầu hết trong số họ không bố trí đại diện ở Việt Nam mà thường ủy thác cho cá nhân người Việt dẫn mối.

Thực tế, những người này họ không hiểu biết về điều kiện để có cuộc hôn nhân quốc tế hạnh phúc, họ không cung cấp được đầy đủ thông tin về chú rể, hoặc cố tình che giấu thông tin để “trục lợi” cộng với việc cô dâu thiếu hiểu biết về văn hóa, phong tục tập quán, pháp luật Hàn Quốc.

Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nhiều bất hạnh, thiệt thòi cho cô dâu Việt như: Hôn nhân không hạnh phúc, cô dâu bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp, không được đảm bảo quyền lợi trong hôn nhân…

Việc không tìm hiểu kỹ, thiếu thông tin do những cuộc hôn nhân chớp nhoáng thông qua môi giới bất hợp pháp sẽ là nguyên nhân chính dẫn đến đổ vỡ - xung đột văn hóa, va chạm trong gia đình. Thậm chí, nhiều trường hợp cô dâu còn bị xúc phạm nhân phẩm, danh dự và đe dọa tính mạng.

Cũng theo kết quả nghiên cứu của TS. Kim Yi Seon, sự ổn định và hòa nhập vào gia đình, xã hội của cô dâu Việt đang ở mức thấp và nhiều khó khăn. Đây chính là rào cản để chị em thực hiện vai trò làm vợ, làm mẹ và làm một thành viên trong gia đình đa văn hóa.

Rõ ràng, nếu cô dâu được chuẩn bị chu đáo về nhận thức và kỹ năng cần thiết sẽ  sớm hòa nhập với gia đình chồng và xã hội sở tại.

Bùi Thị Hòa – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế như hiện nay, hôn nhân quốc tế luôn là vấn đề tất yếu. Tuy vậy, để có một cuộc hôn nhân giữa những người đến từ các nền văn hóa khác nhau đòi hỏi người trong cuộc phải đủ tỉnh táo, cân nhắc các vấn đề liên quan trước khi quyết định kết hôn.

Pháp luật Việt Nam và công luận không ngăn cấm phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài. Tuy vậy hành vi lợi dụng hôn nhân với người nước ngoài để trục lợi, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người phụ nữ, gây nên những hậu quả trước mắt và lâu dài đều bị lên án.

Không thể may nhờ rủi chịu

Những bi kịch hôn nhân có yếu tố nước ngoài thông qua mai mối bất hợp pháp xuất hiện trên báo chí, truyền thông trong thời gian qua đã ít nhiều khiến cô dâu Việt có tâm lý e ngại kết hôn với người nước ngoài. Tuy vậy, nếu họ biết tìm đến những trung tâm được pháp luật đảm bảo thì sẽ loại bỏ được những hoài nghi và hạn chế được những bi kịch không đáng có.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm được quy định trong Hiến pháp và pháp luật đã và đang có nhiều hoạt động hỗ trợ hôn nhân quốc tế, can thiệp, bảo vệ các cô dâu Việt và hướng đến thế hệ thứ 2 của các gia đình đa văn hóa.

Trước những vấn đề nổi cộm về hôn nhân có yếu tố nước ngoài thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 126/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình.

Nghị định đã dành riêng 1 mục qui định về tổ chức và hoạt động tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, trong đó có Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài -  là đơn vị sự nghiệp thuộc TƯ Hội LHPN Việt Nam hoặc Hội LHPN tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương,  hoạt động bảo đảm nguyên tắc phi lợi nhuận, góp phần làm lành mạnh hóa quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Đến nay, trên cả nước đã có 19 Trung tâm được thành lập và hoạt động theo quy định.

Trước thực tế số lượng phụ nữ kết hôn với người Hàn Quốc chiếm tỷ lệ cao trong số phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, trong đó nhiều chị em thiếu thông tin, kĩ năng nên kết hôn trong tình trạng may nhờ rủi chịu, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và các tỉnh, thành phố đã triển khai và đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tư vấn, hỗ trợ nhằm nâng cao nhận thức và giảm thiểu những rủi ro cho phụ nữ khi lấy chồng Hàn Quốc.

Dự án Hỗ trợ hôn nhân Hàn Quốc do TƯ Hội hợp tác với Trung tâm Văn hóa Phụ nữ Việt Nam tại Hàn Quốc (VWCC) triển khai thông qua Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình 2 tỉnh Hải Dương và Hậu Giang là một trong những mô hình hoạt động hỗ trợ phụ nữ lấy chồng nước ngoài của Hội.

Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao nhận thức cho phụ nữ về vấn đề hôn nhân có yếu tố nước ngoài, đảm bảo hôn nhân lành mạnh, tuân thủ pháp luật và quan hệ hai nước Việt – Hàn, góp phần hạn chế những rủi ro cho phụ nữ Việt Nam kết hôn với nam giới Hàn Quốc, giảm thiểu tối đa và loại trừ những rủi ro phát sinh do môi giới hôn nhân quốc tế bất hợp pháp.

Từ mô hình hoạt động của dự án, nhiều cô gái Việt có mong muốn kết hôn với đàn ông Hàn Quốc đã đến Trung tâm của Hội LHPN 2 tỉnh với mong muốn tìm được nửa kia đích thực.

Nhiều người dân tại thôn Hòn Tròn (xã Nam Dương , Lục Ngạn, Bắc Giang) vẫn chưa thể quên được đám cưới đặc biệt và vui vẻ của cô dâu Mạc Thị Diến vào tháng 6 vừa qua. Đặc biệt ở chỗ, chú rể trong đám cưới là chàng trai kỹ thuật viên người Hàn Quốc nhưng đám cưới diễn ra theo đúng phong tục, truyền thống của địa phương cô dâu.

Diến – 20 tuổi – nhân viên tư vấn bảo hiểm, chính là một trong những cô gái đã tìm đến Trung tâm Tư vấn hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài với mong muốn tìm được chàng rể Hàn Quốc. Qua tư vấn, giới thiệu cô gái trẻ đến từ đất vải đã quen và đem lòng yêu mến Pak Sun Kil.

Sau đăng ký kết hôn chờ làm các thủ tục cần thiết, Diến đã được tham gia lớp bồi dưỡng tiếng Hàn, được tiếp cận thông tin về văn hóa, đời sống Hàn Quốc, đảm bảo cô dâu có đầy đủ kỹ năng và sẵn sàng làm mẹ, làm vợ ở xứ sở Kim chi.

Có thể còn quá sớm để nói về kết quả cuộc hôn nhân của Diến với người chồng Hàn Quốc nhưng với khởi đầu tốt đẹp này là cơ sở vững chắc của tiến tới xây dựng một cuộc hôn nhân bền vững, hạnh phúc.

So với các cô dâu Việt đang sinh sống tại Hàn Quốc, chị Đặng Thị Lương (SN 1989, quê ở Liên Khê, Thủy Nguyên, Hải Phòng) thuộc diện may mắn hơn cả khi có một gia đình hạnh phúc. Tuy vậy, sự may mắn của chị Lương không phải là ngẫu nhiên. Năm 2010, chị được bạn giới thiệu đến Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài thuộc Hội LHPN Hải Dương.

Tại đây, chị được Trung tâm tư vấn, giới thiệu và kết hôn với anh Lee Jong Hoon (SN 1981). Sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký kết hôn, chị Lương được tham gia đào tạo tiếng Hàn, văn hóa phong tục nước bạn, ẩm thực Hàn Quốc miễn phí do Trung tâm tổ chức.

Hiện tại, chị Lương đang sống hạnh phúc cùng chồng và hai con tại tỉnh Gyeongsangbukdo (Hàn Quốc). Hai vợ chồng chị có một xưởng nước ép hoa quả với thu nhập ổn định. Sau khi kết hôn đến nay, gia đình chị đã về Việt Nam thăm gia đình 2 lần. Năm 2015, chị đã được nhập quốc tịch Hàn Quốc.

Rõ ràng, nếu biết “chọn mặt gửi vàng” bằng cách tìm hiểu thông tin qua những địa chỉ tin cậy, chính thống; chuẩn bị kĩ năng, vốn văn hóa, phong tục, tập quán của nơi mình sẽ tới xây dựng gia đình và sinh sống lâu dài thì các cô dâu Việt sẽ cởi bỏ được những lo lắng về tương lai khi kết hôn với đàn ông Hàn Quốc.

Mặt khác, những người chồng tương lai của các cô gái Việt Nam đến từ Hàn Quốc nếu có được thông tin đầy đủ, tin cậy từ những tổ chức có tư cách pháp nhân thì chính họ cũng bớt đi những rủi ro khi tìm kiếm hạnh phúc trăm năm.

Bằng việc lành mạnh hóa những quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài ngay từ khi 2 bên nam nữ tìm hiểu tiến tới hôn nhân thì các cô dâu Việt và người chồng ngoại quốc sẽ cởi bỏ được những "nút thắt" lo lắng về tương lai khi xây dựng gia đình.

Dự án Hỗ trợ hôn nhân Hàn Quốc do Hội LHPNVN và Trung tâm Văn hóa Phụ nữ Việt Nam tại Hàn Quốc (VWCC) hợp tác thực hiện, nhằm nâng cao nhận thức và hỗ trợ cho phụ nữ tại địa bàn dự án về vấn đề kết hôn với nam giới Hàn Quốc, đảm bảo hôn nhân lành mạnh, tuân thủ pháp luật, hạn chế và giảm thiểu những rủi ro phát sinh do môi giới hôn nhân quốc tế bất hợp pháp.


Nguyên tắc hoạt động tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

  1. Hoạt động của Trung tâm phải bảo đảm nguyên tắc phi lợi nhuận, góp phần làm lành mạnh hóa quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, phù hợp với nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam, thuần phong mỹ tục của dân tộc.
  2. Các bên kết hôn có quyền được tư vấn, hỗ trợ về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Việc tư vấn, hỗ trợ không phụ thuộc vào quốc tịch, nơi cư trú của người có yêu cầu.
  3. Nghiêm cấm lợi dụng việc tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nhằm mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc vì mục đích trục lợi khác.

(Điều 52, Nghị định 126/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình)



Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn