PGS.TS Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, cho biết, chuyển đổi số không chỉ là vấn đề của một tổ chức, một cá nhân hay một trường học, mà đã trở thành vấn đề toàn cầu. Đặc biệt, giáo dục và đào tạo không thể nằm ngoài quy luật chuyển đổi để kịp thời nắm bắt những thành tựu của khoa học kỹ thuật, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao chất lượng dạy và học.
Ngoài ra, để ứng phó với những biến động về mọi mặt kinh tế - xã hội, giáo dục do dịch Covid-19 gây ra, các trường đại học buộc phải chuyển mình theo xu hướng số hóa nhằm đảm bảo chất lượng và dịch vụ giáo dục.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, chuyển đổi số không phải chỉ là vấn đề công nghệ mà còn là vấn đề nhận thức và thói quen. Để chuyển đổi số trong trường ĐH, cần phải phi trung gian hóa, nghĩa là loại bỏ bớt các khâu trung gian, kết nối trực tiếp giữa các bên. Cụ thể là phi trung gian hóa trong tổ chức (hiệu trưởng có thể theo dõi sự tiến bộ của từng học sinh, sinh viên mà không cần qua giáo viên trực tiếp), phi vật chất hóa (là số hóa các thực thể vật chất, các sản phẩm hữu hình và tạo thành các phiên bản số) và phi tập trung hóa (là có nhiều người hơn, nhiều mắt xích hơn cùng tham gia, tạo ra giá trị). Chuyển đổi số trong trường ĐH chính là trường ĐH "3 không": Không giảng đường, không học liệu bản cứng, không giảng viên cơ hữu.
Hội thảo đã tập trung vào một số định hướng lớn trong chuyển đổi số, mô hình chuyển đổi số trong trường ĐH, chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số trong đào tạo, ứng dụng công nghệ số trong quản trị trường ĐH và phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm trong bối cảnh chuyển đổi số của các trường ĐH Bách khoa Hà Nội; Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông; Học viện Ngân hàng, ĐH Thủy Lợi.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn