Lê Cảnh Nhạc dành tặng vợ những vần thơ nồng nàn

17:29 | 08/01/2017;
Trong chương trình nghệ thuật 'Đất nước và tình yêu', nhà thơ Lê Cảnh Nhạc không quên dành những lời đặc biệt nhất cho người bạn đời của mình.
_mg_8198.JPG
Ca sĩ Lê Anh Dũng thể hiện ca khúc "Áo trắng vùng cao" của nhạc sĩ Tuấn Phương 

Chương trình nghệ thuật Đất nước và tình yêu - Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc và các nhạc sĩ vừa diễn ra tại nhà hát Âu Cơ, Hà Nội. Một điều đặc biệt, tất cả tác phẩm âm nhạc được thể hiện trong chương trình đều là những ca khúc phổ thơ Lê Cảnh Nhạc.

Chương trình mở màn đầy ấn tượng với bản hợp xướng Tiếng gọi Rồng Tiên - 1 trong 18 ca khúc thành công trong mối lương duyên thơ nhạc của Đức Trịnh và Lê Cảnh Nhạc. Tác phẩm từng được Đoàn Nghệ thuật Sơn La dàn dựng, biểu diễn và đoạt HCV Liên hoan Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015. Nhạc sĩ Đức Trịnh trong vai trò đạo diễn âm nhạc đã mời Đoàn Nghệ thuật Sơn La về Hà Nội diễn để mang lại cảm xúc trọn vẹn nhất cho khán giả Thủ đô.

1d2n1469.JPG
 Hợp xướng "Tiếng gọi Rồng Tiên" của Đức Trịnh

Bên cạnh đó, live show còn có nhiều tiết mục ca múa nhạc đặc sắc như: Non nước đàn trời (Cẩm Tú và nhóm múa), Đôi bờ ví giặm (NSƯT Tố Nga), Non nước Thiên Cầm, Thắp niềm tin cuộc sống (Đăng Thuật), Về Hương Sơn, Hồn quê hội tụ (Vũ Thắng Lợi), Mênh mang Vũ Quang (Xuân Hảo), Da diết một miền quê (Bích Ngọc), Đêm Phiêng Lơi (Mai Trang), Lời ru một mình, Mơ về Hà Nội (Nhật Thủy), Bão giông tình biển (Ngọc Linh), Bão giông lòng mẹ (Thúy Nội), Áo trắng vùng cao (Lê Anh Dũng)...

Đó đều là những tác phẩm thơ được phổ nhạc bởi các nhạc sĩ tên tuổi như: Đức Trịnh, Văn Dung, Quốc Nam, Trương Ngọc Ninh, Nguyễn Thụy Kha, Đặng An Nguyên, Xuân Phương, Tuấn Phương, Hồ Trọng Tuấn, Văn Tiến...

vo.jpg
 Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc và vợ

Trong đêm diễn, ngoài việc cảm ơn sự “chắp cánh” của các nhạc sĩ, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc không quên dành những lời đặc biệt nhất cho người bạn đời của mình. Thi nhân thường không thiếu những “bóng hồng” trong thơ nhưng ít người nói về vợ bằng những tình cảm chan chứa, nồng nàn và da diết như nhà thơ Lê Cảnh Nhạc. Trong khuôn khổ đêm diễn, anh chỉ “ví dụ” vài bài có hình bóng của người bạn đời:

“Anh sẽ đến khi em không chờ đợi/ Thuyền buông neo quằn quại cánh buồm nâu/ Biển trào xô những cơn khát bạc đầu/ Chiều xối nắng sóng duềnh mình đón gió/ Anh sẽ đến khi em không chờ nữa/ Mây lang thang dồn bão tự bao giờ/ Em có biết khi bão ào ạt tới/ Bao chắn che con nước sẽ xô bờ” (Anh sẽ đến).

Còn trước đó, bạn đọc đã rất quen thuộc với bài Vẫn là em được anh khắc họa về vợ rõ nét: Vẫn là em, điên đảo hờn ghen/ Nồng như ớt, mặn như là muối bể/ Cuống quýt vào ra chua chanh chát khế/ Quay quắt thương, quay quắt nhớ xa chồng/ Vẫn là em, cứ thắc thỏm rối lòng/ Dù chỉ bếp cơm chiều chưa nổi lửa/ Đón con tan trường, ngóng chồng gọi cửa/ Bát canh riêu bữa tối ngậy thơm nhà”. Hay: Gừng cứ cay để anh mãi là anh/ Đi đến cuối trời không nhạt tình muối mặn/ Bến gia đình neo tơ lòng vương vấn/ Bởi mãi còn nồng ớt với chua chanh/ Vẫn là em.../ Lửa ngún của đời anh!

_mg_8210.JPG
Ca sĩ Nhật Thủy Idol hát 2 ca khúc "Lời ru một mình", "Mơ về Hà Nội" 

Nói về chương trình Đất nước và tình yêu và mối lương duyên của thơ Lê Cảnh Nhạc với các nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý nhận xét: “Thơ của Lê Cảnh Nhạc khi được chắp cánh bằng âm nhạc có ưu điểm mạnh về ngôn ngữ, cảm xúc, gần gũi với cách tiếp cận của công chúng. Bởi thế, những sáng tác giàu nhạc tính của anh tạo nên sức hấp dẫn và ưu thế đặc biệt khiến các nhạc sĩ có cảm hứng phổ nhạc”.

Nhà văn Nguyễn Thế Hùng cho rằng: "Tôi nghĩ rằng, những bài thơ được phổ nhạc hay thường là những bài giàu nhạc tính, hình ảnh và khá chuẩn về khúc thức. Thơ của nhà thơ Lê Cảnh Nhạc là thế. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Lê Cảnh Nhạc đã có hàng trăm bài thơ được phổ nhạc, với số lượng này, có lẽ cũng là "vô địch" - tốp đầu trong những nhà thơ có thơ phổ nhạc nhiều nhất hiện nay".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn