Đây là một trong những lễ hội lớn của tỉnh Quảng Nam, được tổ chức vào ngày 11 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Là lễ hội dân gian ghi dấu đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người các xã vùng Đông huyện Thăng Bình nói riêng và người dân Quảng Nam nói chung. Lễ hội phản ánh tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp vùng biển Quảng Nam, gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu ở các tỉnh Miền Trung, đồng thời thể hiện lòng thành kính đối với các bậc tiền nhân và cầu mong cuộc sống an lành, no đủ. Năm 2014, Lễ hội được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di sản văn hóa cấp quốc gia.
Lễ hội diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi, gắn kết cộng đồng như: Lễ cúng Bà; rước sắc Bà; đua thuyền truyền thống, đua giải hòa bình và đua giải chính thức; các trò chơi dân gian như hát bài chòi, lô tô…
Tại lễ cúng Bà, các bô lão uy tín trong làng sẽ đứng ra dâng hương, dâng rượu, đọc văn tế, đánh trống hiệu và cúng chay. Các thôn nữ sẽ múa những điệu múa thể hiện sự biết ơn đối với công đức của các bậc tiền nhân. Tính chất bài bản của nghi lễ đã giúp hàng nghìn người dân và khách tham quan phần nào khái quát được truyền thuyết từ khi Bà được sinh ra cho đến lúc quy tiên và hiển linh cứu người. Kết thúc buổi lễ, các lễ vật đều được đem mời dân làng và khách quý.
Anh Doãn Công, người dân xã Bình Triều (Thăng Bình, Quảng Nam), chia sẻ: “Lễ hội có tính cố kết cộng đồng của người dân chúng tôi rất lớn. Mọi năm người dân phải chuẩn bị làm bàn cộ để rước từ mùng 4 Tết, mỗi người mỗi việc chung sức vào làm. Năm nay lễ hội được tổ chức nhỏ gọn nhưng cũng tạo được không khí sôi nổi, đoàn kết cho người dân những ngày đầu năm”.
Năm nay không tổ chức lễ rước cộ Bà. Người dân và chính quyền cho biết, việc tiết giảm lễ rước cộ bà tiết kiệm từ 300 đến 500 triệu đồng. Thay vào đó, địa phương sẽ tổ chức lễ rước cộ Bà vào những năm chẵn hoặc những ngày đặc biệt.
Chị Nguyễn Thị Thảo Trang, người dân xã Bình Triều (Thăng Bình, Quảng Nam), kể: “Như mọi năm có tới 4 bàn cộ được chưng và rước, trung tâm là linh tượng Bà linh ứng, biến hóa thành cô thôn nữ chân quê về thăm lại vùng đất này. Năm nay, chúng tôi không được xem phần rước cộ nữa thì cảm thấy hơi hụt hẫng. Song, chúng tôi cũng hiểu được rằng cần giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống nhưng cũng phải tiết kiệm”.
Truyền thuyết kể rằng, Thần nữ họ Nguyễn, húy là Của, vốn là con gái nhà khuê các ở xã Đại Cường (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, còn có tên gọi khác là Phường Chào), khi sinh - ngày 25/2 năm Canh Thân 1799 - có điềm lạ, khói lam mây trắng che phủ mịt mù một vùng, lớn lên trở thành người đẹp, tính nết hiền từ nên người dân tôn kính gọi là Bà. |