Lễ hội Halloween và thông điệp cho trẻ nhỏ

14:06 | 31/10/2016;
Halloween không chỉ là ngày lễ vui chơi mà là dịp để nhắc nhở mọi người, đặc biệt giáo dục cho các em nhỏ trong cuộc sống phải biết xót thương, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.

Lễ hội Halloween có nguồn gốc từ dân tộc Celt, sống cách đây hơn 2.000 năm trên các vùng đất bây giờ là Anh quốc, Ireland và miền Bắc nước Pháp. Halloween có tên gốc là All Hallows’Eve, có nghĩa là đêm trước ngày lễ các thánh. “Hallow” là một từ tiếng Anh cổ có nghĩa là “thánh” và cuối cùng đổi là Halloween như chúng ta biết ngày nay.

Dân tộc Celt bắt đầu năm mới vào ngày 1/11 dương lịch. Lễ hội được cử hành vào đêm trước năm mới để vinh danh vị thủ lĩnh quá cố tên là Samhain. Dân tộc Celt tin rằng, Samhain cho phép những linh hồn người chết được trở về ngôi nhà ấm ấp trên trần gian vào đêm hôm đó. Say đó, Halloween đến Mỹ qua những đợt di dân nhưng mãi đến thế kỷ XIX, ngày lễ này mới trở thành tục lệ được nhiều người hưởng ứng.

6.jpg
 Quả bí ngô gắn với câu chuyện về chàng Jack là một trong những biểu tượng của Halloween

Biểu tượng chính của đêm Halloween là chiếc đèn lồng của chàng Jack với dòng chữ "Jack-ó-lanterns." Các biểu tượng phụ là phù thủy, ma quỷ và mèo đen.  

Theo truyền thuyết của Ireland thì từ ngữ "Jack-ó-lanterns" đến từ một người có tên là Jack. Đó là một chàng thiếu niên đã chết nhưng linh hồn không được phép lên thiên đàng bởi khi còn sống, anh ta là một người tham lam, bủn xỉn, không hay giúp đỡ người khác.

Chuyện kể rằng, một hôm có con quỷ đến quấy phá một vùng dân cư, các vị tu sĩ đem vật thánh đến yểm và khóa các cửa ra vào.  Jack nhận ra đó là con quỷ trước đây thường vui đùa với mình nên đã tìm cách gỡ vật yểm ma quỷ, mở đường cho quỷ chạy thoát.

Vì vậy, khi Jack chết vì một tai nạn, linh hồn của cậu vất vưởng không có chỗ đi. Thấy Jack lạnh lẽo, khổ sở, để đền ơn cứu mạng, quỷ bèn lấy một ít than hồng bỏ vào trong ruột một quả bí ngô và đưa cho Jack để sưởi ấm trên hành trình tìm đường trở lại trần gian.

3.jpg
 "Trick or treat" là một trò chơi truyền thống dành cho các em nhỏ trong đêm Halloween

Mặc dù chàng Jack là một nhân vật tưởng tượng nhưng câu chuyện gửi gắm thông điệp rằng, trong cuộc sống phải biết chia sẻ, giúp đỡ những người gặp khó khăn để khi chết đi không trở thành một linh hồn lạnh lẽo không chỗ dung thân.

Ngày nay, lễ hội Halloween không còn mang ý nghĩa tôn giáo mà mọi người đều xem đó là một lễ hội vui chơi. Halloween trở thành một ngày tết, một lễ hội vui nhất trong năm, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ bởi những trò chơi truyền thống có lịch sử từ rất lâu đời nhưng vẫn luôn mang đến cảm giác thích thú, hứng khởi cho các em.

Đặc biệt, một sinh hoạt tập thể không thể thiếu của các em nhỏ trong ngày này đó chính là tập tục “Xin kẹo” hay còn gọi là trò chơi “Trick or treat”. Vào đêm Halloween, các em nhỏ thường được bố mẹ mặc trang phục hóa trang và cầm giỏ đến từng nhà để gõ cửa, xin kẹo.

2.jpg
 Các em sẽ được mặc trang phục hóa trang, mang lồng đèn và giỏ đến từng nhà để xin kẹo

Theo truyền thuyết thì vào ngày này, các hồn ma sẽ tìm đến để lừa bịp, phá phách con người bằng cách đến xin ăn từng nhà và chủ nhà phải cho chúng đồ ăn uống. “Trick” có nghĩa là đánh lừa - trò chơi tinh ma nghịch ngợm - còn “treat” là tiếp đón, đối đãi tử tế. Với ý nghĩa đó, trẻ con trong ngày lễ Halloween sau khi hóa trang sẽ cầm đèn lồng và giỏ đến từng nhà gõ cửa và nói “trick or treat” với hàm ý “thiết đãi chúng tôi cái gì đi nếu không chúng tôi sẽ phá đấy”. Để tránh gặp phiền phức chủ nhà thường chuẩn bị nhiều trái cây và bánh kẹo để đãi bọn trẻ con khi đến gõ cửa.

Người ta quan niệm rằng, chia sẻ kẹo trong trò chơi này có nghĩa là bạn đang chia sẻ thực phẩm với những linh hồn và ác quỷ xấu xa để mong chúng không làm hại bạn, mà ở đây là do bọn trẻ đóng vai. Cũng có truyện kể rằng nếu nhà nào càng xin được nhiều kẹo thì tổ tiên càng được yên ổn, ấm áp.

4.jpg
 Ý nghĩa của trò chơi này là con người phải biết chia sẻ những điều tốt đẹp với nhau trong cuộc sống.

Hoạt động trick or treat này được ghi nhận lần đầu tiên ở Bắc Mỹ vào năm 1911 và dần dần trở thành một phong tục truyền thống của Halloween từ cuối những năm 1950. Một số gia đình thường để kẹo trong chậu ở ngoài cổng hoặc trực tiếp đưa cho bọn trẻ khi chúng gõ cửa nhà mình. Để cho bọn trẻ tìm cửa dễ hơn, nhiều gia đình còn trang trí đường vào cửa chính với nhiều biểu tượng Halloween.

Ở Scotland và Ireland, guising - cải trang để đi xin kẹo là một truyền thống Halloween được ghi nhận từ năm 1895. Còn ở Tây Ban Nha, guising được gọi là calaverita (một hộp sọ nhỏ làm bằng đường hoặc sô cô la), và thay vì nói trick or treat, các em sẽ hỏi me da mi calaverita (bạn có thể cho tôi hộp sọ nhỏ được không).

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn