Lễ rằm tháng Giêng: Hương hoa, bát nước là đủ

07:30 | 09/02/2017;
‘Quan niệm “Cúng lễ cả năm không bằng ngày rằm tháng Giêng” khiến nhiều người cho rằng lễ vật cũng phải ‘mâm cao cỗ đầy’ mới đủ đầy. Đó là quan niệm chưa đúng’, ni sư Thích Diệu Tâm - trụ trì Chùa Cát Linh, Hà Nội cho biết.

Thưa sư thầy, quan niệm “cúng lễ cả năm không bằng ngày rằm tháng Giêng” xuất phát từ đâu?

Đó là câu nói của dân gian, xuất phát từ tục cầu mùa màng bội thu (lễ xuống đồng). Thượng nguyên có nghĩa là đầu tiên, nên người dân lấy ngày rằm đầu tiên của mùa xuân làm ngày lễ cầu mùa màng. Còn Phật giáo du nhập cũng phải tùy theo từng quốc gia. Với Việt Nam, rằm tháng Giêng là ngày lễ lớn. Còn ở đất Phật Ấn Độ không hề có ngày lễ này. Đến giờ, rằm tháng Giêng chính là một trong 4 ngày lễ lớn trong năm của Phật giáo ở nước ta (hay còn gọi là lễ tứ quý, gồm: Lễ Thượng Nguyên, lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, lễ Tất niên).   

Nhiều người cho rằng, trong ngày lễ trọng này, phải “mâm cao cỗ đầy” thì mới thành kính. Quan niệm này có đúng với giáo lý nhà Phật?

Quan niệm này không hẳn là đúng, căn bản vẫn là ở sự thành tâm. Gia chủ có điều kiện như thế nào thì lễ như thế. Nếu gia chủ có điều kiện thì họ có thể dâng lên Phật, Thánh mâm cao cỗ đầy. Tuy nhiên, theo giáo lý nhà Phật thì không nhất thiết phải bày biện ra như vậy mới là đủ. Nhiều khi mâm cao cỗ đầy lại là lãng phí. Mà theo Phật giáo thì dù thế nào cũng không nên lãng phí. Quan trọng nhất vẫn ở lòng thành tâm.

1.jpg
Sư thầy Thích Diệu Tâm: Nếu đã có lòng thành kính thì dù là hương hoa, bát nước cũng đã là đủ. Kể cả những lễ vật như bánh chưng, xôi, gà... cũng có thể không cần thiết

Đối với những gia chủ có kinh tế không dư giả thì nên chuẩn bị những lễ vật như thế nào là đúng và đủ, thưa thầy?

Gia chủ có như thế nào thì cúng lễ như vậy. Lễ sao cho thanh tịnh, sạch sẽ và cung kính chứ Phật, Thánh không lấy gì làm chuẩn. Kể cả những lễ vật như bánh chưng, xôi, gà… cũng có thể không cần thiết nếu gia chủ không có điều kiện. Nếu đã có tâm thì dù là hương hoa, bát nước cũng đã là đủ. Ngay cả với hương nhang, Phật giáo quan niệm, hương cũng chỉ là hình thức mà thôi.

Khi đi lễ chùa, đền, phủ vào ngày rằm thì sắm lễ như thế nào cho phù hợp, thưa thầy?

Cũng như đối với từng gia đình, lễ vật cũng phụ thuộc vào gia cảnh của từng người chứ không nhất thiết phải định rõ là mua sắm những gì. Oản quả, bánh trái, tiền dầu nhang dù nhiều dù ít đều được Phật, Thánh chứng tâm.
 
Xin cảm ơn Thầy!

Mặc dù nhiều người thường xuyên đi lễ nhưng vẫn không phân biệt được sự khác nhau giữa đền, chùa và phủ. Theo ni sư  Thích Diệu Tâm, chùa là nơi thờ Phật, đền là nơi thờ Thánh, còn phủ thờ Mẫu. Đền, thờ, phủ đều là những nơi tôn nghiêm về tôn giáo và tín ngưỡng. Dù là cầu bình an, tài lộc, sức khỏe, con cái thì đều có thể cầu được ở cả chùa, đền và phủ.



Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn