Lên đỉnh núi nhìn tia chớp xanh

17:24 | 13/07/2016;
Có người bảo đã lên núi ấy và nhìn thấy tia chớp xanh một lần trong tháng ba. Vậy là rồi nhớ mãi.
Trong vệt  núi  Hương Tích chạy dài ở vùng Hương Sơn, thì chùa Tiên đền Mẫu cách Hương Tích khoảng non chục cây số, chùa còn hoang sơ ở một huyện miền núi Lạc Thủy tỉnh Hòa Bình.

Gần sát với dãy núi Hương Sơn có suối Yến Vĩ chảy về Đầm Đa trên núi cao, nơi có đền Mẫu, chùa Tiên chân núi vắng. Du khách mê du lịch leo núi, đi xe ngựa, thăm những hang động còn hoang sơ chưa bị con người tôn tạo sửa chữa di dời thì điểm đến Đầm Đa, huyền thoại vào cửa cha ra cửa mẹ còn giữ được sự cũ càng, còn giữ được sự nếp nang của đá núi. Nếu dâng hương  vua cha Lạc Long Quân, khi về cửa mẹ lễ tạ Mẫu Âu Cơ, bạn nhất thiết phải chui  bằng đầu mới ra khỏi hang, mới trở ra được mà xuống núi. Không có con đường nào khác. Hôm nào đông khách du lịch mời bạn xếp hàng như thời bao cấp mua tem phiếu, phải chờ đợi hàng tiếng mới ra khỏi “cửa mẹ”.
Trong động thờ mẫu, còn những ánh nến,  thứ ánh sáng điện chạy bằng máy nổ để xua đi sự tĩnh lặng của núi non ngàn năm. Những phiến đá do con người vịn tay mà nhẵn trơn đen, trắng phớ ở nơi Phật ngự, tiên ngự. Huyền thoại mà vẫn linh ứng. Nên người dân ở miền núi miền xuôi đi lễ rất đông. Ở độ cao vừa dốc vừa có rừng có suối có hang động, cảnh đẹp nơi động Tiên còn nhiều rêu phong ven chân núi thu hút những người đam mê khám phá những kỳ quan của Đầm Đa. Những niềm vui như trẻ thơ được chui ra bằng đầu nơi hang đá, được vào hang thuốc của cô Chín, hun hút không một tiếng động.

Từ Đầm Đa – đền Mẫu, bạn đi xe ngựa sang núi thờ Linh Sơn Địa mẫu ở ven sông Đà. Người dân bản địa gọi là sang Tam Tòa - Thánh Mẫu. Nơi  huyền ảo với  những ánh nến ở nhũ đá, dốc  núi tự nhiên của hang động, chưa có can thiệp của bàn tay con người nên nơi thờ Phật và Thánh mẫu trên núi cao còn rêu phong lắm. Muốn leo núi lên hang động phải hơn một giờ.
Có người bảo đã lên núi ấy và nhìn thấy tia chớp xanh một lần trong tháng ba. Vậy là rồi nhớ mãi. Giờ người ấy đi với chồng lên núi chờ mưa sấm chớp mà không thấy chớp xanh. Dừng chân ở núi lên đỉnh thờ Linh Sơn thấy sông Đà đang cạn nước, chỉ còn hơn 3 mét ở nơi sâu nhất. Cát trắng phơ và những con thuyền độc mộc vẫn chờ bạn du lịch trên sông. Bạn có thể chọn đi xe ngựa dâng hương ông Hoàng Bẩy, ông Hoàng Mười. Bạn cũng có thể chọn thuyền độc mộc lướt sông, thăm những bản  người Mường ven sông Đà. Đang là mùa hoa mận, hoa mai, núi rừng vùng Yên Thủy, Lạc Thủy đẹp như tranh vẽ. Hình như chưa có dự án lớn với tay tới nơi này, nên các vùng xa còn nghèo của Yên Thủy, Lạc Thủy còn hoang sơ lắm. Người Mường ở đây sẽ nồng hậu thết bạn cơm lam xôi nếp nương. Nếu bạn vào quán cũng thể chọn món ngon như lợn lửng, gà mái chân trì nướng trên bếp than hoa.

Chọn một ngày đi du lịch sông Đà ngay chân núí lên Linh Sơn, bạn có thể khám phá những bản người Mường, người Thái, với những nét ứng xử văn hóa nồng hậu bạn sẽ thấy mình được trân trọng được quí hóa như người thân. Đồng tiền chưa xâm lấn, chưa biến hóa ở các khu du lịch còn hoang sơ này.

Văn hóa người Muờng phải đi rất nhiều phải ở rất lâu bạn mới thấm hết nét đẹp của dân tộc. Đồng bào sống rất ngăn nắp và sạch sẽ. Những người khách du lịch Nga, họ trở lại sông Đà thăm lại nơi mình làm việc năm xưa, rồi quá giang lên núi thăm bản Mường. Có một chị tên là Onga bảo với tôi: “Chị muốn được đánh đắm tuổi thơ mình ở dòng sông này, nơi mà cha chị từng là kỹ sư ở công trình thủy điện Sông Đà”. Chị trở lại vì muốn mắt thấy tai nghe, những cha chị từng nói. Sông Đà và núi Đùng, sông Đà và suối Yến, và động Tiên mãi là chuyến đi đáng nhớ trong đời chị...

Anh Phăng người Pháp đã ở Việt Nam hơn hai năm, nói : “Chúng tôi đi du lịch khám phá thích cái sự cũ của Việt Nam. Chùa cũ, đền cũ và bản cũ. Chúng tôi đi thăm những nhà sàn và thích nghe hát ở nhà sàn, không nghe qua mi cơ rô, mà nghe hát qua hơi thở. Nghe dân ca Thái cũng nghe bằng tai thôi, nghe khèn lá khèn môi cũng bằng tai thôi. Nghe trực diện. Hay lắm”.

Cái khác biệt lại chính là những lữ khách nước ngoài đi khám phá cái cũ, cái hơi thở  thật của người Việt chứ không phải nghe hơi thở  hát qua loa đài, mi cơ rô. Họ ngủ một đêm ở nhà sàn để nghe gà gáy và tiếng gọi gà, tiếng người dắt trâu ra đồng. Người nước ngoài đi lên núi không lễ Phật, xem tiên mà họ tìm trong văn hóa Việt sự cũ kỹ, hoang sơ và giọng hát bằng hơi thở thật.

Du khách Việt Nam đi khám phá động Tiên và lễ Phật họ xin sự yên bình, cho con đỗ đạt và mùa nếp nương bội thu. Đi di lịch để nhìn, để nghe và để khám phá chính mình đang cần gì, tìm gì ở nơi sâu thẳm cõi người. Lên núi thăm đền Mẫu chùa Tiên và du lịch sông Đà thác Bờ cho bạn cảm xúc như tìm thấy tia chớp xanh. Ai trong đời bỏ qua tia chớp xanh khi trên núi vắng, khi đang rong ruổi như tôi cũng cần trở lại,tìm kiếm và hy vọng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn