Trẻ nhỏ không chấp nhận giáo điều, chỉ chấp nhận sự lặp lại. Ảnh minh họa internet. |
Thấy bố để chiếc tai nghe trên giường, cu Bon liền cầm lên nghịch. Thấy vậy, anh Thế Minh nổi đóa. Anh bắt con khoanh tay xin lỗi và lên lớp cho cậu con trai chưa được 4 tuổi suốt 15 phút về việc phải biết giữ gìn, bảo vệ đồ dùng của người khác. Rằng đấy không phải là đồ của con, đồ của người khác thì con phải tôn trọng, con không được phép sử dụng. Nếu con muốn, con phải xin phép… Rất nhiều những lời giáo giảng được nói ra, cu Bon vừa nghe, vừa khóc, chân tay ngọ nguậy chỉ muốn chạy ra ngoài. Càng nghe bố hỏi con có hiểu không, cậu càng ấm ức, khó chịu…
Theo bác sĩ Anh Nguyên (Vương quốc Anh), trong khoa học tâm lý trẻ con, trẻ con là đối tượng dễ thay đổi và không chấp nhận giáo điều. Các bé chỉ chấp nhận sự lặp lại. Điều này có nghĩa là mặc dù bé đang làm một hành động sai, cha mẹ có dùng biện pháp răn đe, nhắc nhở, thậm chí đánh vào tay bé nhưng cha mẹ sẽ ngạc nhiên rằng, bé sẽ không thể nào nhớ được giáo điều đó của bạn cho đến khi bé qua 5 tuổi.
Với trẻ em dưới 5 tuổi, sự tập trung của các bé rất ngắn, chỉ khoảng 5-10 phút, bé không nhớ những gì người lớn khuyên bảo trừ khi sự khuyên bảo ấy kiên nhẫn lặp lại.
Trẻ con cần sự lặp lại kiên nhẫn như một quy trình đến lúc trẻ hiểu được quy trình đó. Ảnh minh họa internet. |
Khi trẻ làm sai, cha mẹ dùng một cách răn đe duy nhất và lặp lại cách răn đe này cho mỗi lần bé làm sai. Ví dụ: Khi phát hiện bé ném đồ, nói nghiêm với bé là không được làm vậy, đây là hành động sai, mẹ không thích và con hãy nhặt nó lên. Nếu bé không chịu nhặt thì cha mẹ nhặt lên đưa bé cầm, khuyến khích bé đưa lại cho mẹ. Khi bé đưa lại thì mẹ khen bé "con của mẹ rất ngoan, biết đưa đồ cho mẹ", vỗ tay ra tiếng cho bé nghe hoặc hứa với bé chiều dẫn bé ra ngoài chơi, và nhớ giữ lời hứa.
Sau này, bé có lặp lại hành động ném đồ đó, cha mẹ đừng ngạc nhiên là "tại sao mẹ bảo con hôm trước nay lại làm nữa?", đó chính là trẻ con. Trong lần này, cha mẹ chỉ đơn giản lặp lại đúng quy trình răn đe lần trước. Đừng thay đổi quy trình.
Như đã nói ở trên, trẻ con cần sự lặp lại kiên nhẫn như một quy trình đến lúc trẻ hiểu được quy trình đó của cha mẹ. Cha mẹ cứ làm đúng một quy trình răn đe, kiên nhẫn lặp lại. Sau một thời gian, cha mẹ sẽ vui mừng nhận ra rằng: Bé ngoan quá, đã không còn ném đồ nữa, mà sẽ mang món đồ đưa cho bố/mẹ khi thấy nó rớt xuống đất.