Theo phóng viên TTXVN tại New York, báo cáo “Những điểm nổi bật về di cư quốc tế năm 2020” của Liên hợp quốc ngày 15/1 cho biết cộng đồng người Ấn Độ sống ở nước ngoài lớn nhất thế giới, với 18 triệu người vào năm 2020 và là một trong những cộng đồng sôi động, năng động nhất trên thế giới.
Theo báo cáo, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Mỹ và Arabia Saudi là những nước có số lượng người di cư lớn nhất đến từ Ấn Độ.
Bà Clare Menozzi , quan chức phụ trách vấn đề dân số thuộc Cơ quan dân số của Liên hợp quốc (UNDESA) cho biết Ấn Độ có nhiều người di cư ra nước ngoài nhất với 18 triệu người.
Một trong những điểm đáng chú ý là người di cư Ấn Độ phân bố trên toàn cầu, khắp các châu lục, từ vùng Vịnh, Bắc Mỹ đến Australia, Anh.
Trong khi đó, một số cộng đồng khác sống ở nước ngoài chủ yếu tập trung ở một quốc gia hoặc khu vực.
Báo cáo của Liên hợp quốc cho biết cộng đồng người Ấn Độ sống ở nước ngoài có số lượng lớn chủ yếu phân bố ở một số quốc gia là điểm đến chính, gồm UAE có 3,5 triệu, Mỹ có 2,7 triệu người và Arabia Saudi có 2,5 triệu người.
Ngoài ra, cộng đồng người Ấn Độ còn có số lượng lớn ở Australia, Canada, Kuwait, Oman, Pakistan, Qatar và Anh.
Tiếp sau Ấn Độ, các quốc gia khác có cộng đồng sống ở nước ngoài với số lượng lớn là Mexico và Nga đều có 11 triệu người, Trung Quốc có 10 triệu người và Syria có 8 triệu người.
Theo báo cáo, trong giai đoạn 2000-2020, số lượng người di cư ra nước ngoài đã tăng lên ở hầu hết các quốc gia và khu vực trên thế giới.
Ấn Độ đạt mức gia tăng lớn nhất với gần 10 triệu người, tiếp theo là Syria, Venezuela, Trung Quốc và Philippines.
Trong buổi công bố báo cáo, ông John Wilmoth, Giám đốc Cơ quan dân số tại UNDESA cho biết phần lớn người Ấn Độ di cư ra nước ngoài vì lý do việc làm và gia đình, trong khi đó số người buộc phải di cư ra nước ngoài chiếm một phần nhỏ trong số đó, khoảng 10%.
Còn theo bà Menozzi, cộng đồng người Ấn Độ sống ở nước ngoài chủ yếu là những người lao động nhưng cũng có sinh viên và những người chuyển đến vì lý do gia đình. Trong cộng đồng có sự hiện diện rất lớn những người sinh ra ở Ấn Độ.
Tại các quốc gia vùng Vịnh – nơi người Ấn Độ đang đóng vai trò trung tâm trong sự thịnh vượng kinh tế của các quốc gia, làm việc trong các ngành xây dựng, bệnh viện và dịch vụ chăm sóc.
Cộng đồng người Ấn Độ cũng rất đa dạng, bao gồm cả các nhà khoa học, kỹ sư và bác sỹ có tay nghề cao.
Đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia điểm đến chính của người di cư quốc tế, với 51 triệu người vào năm 2020, bằng 18% tổng số người di cư trên toàn thế giới.
Đức tiếp nhận số lượng người di cư lớn thứ 2 trên thế giới, với khoảng 16 triệu người, tiếp theo là Arabia Saudi với 13 triệu, Nga 12 triệu và Anh là 9 triệu người.
Báo cáo cho biết các ước tính sơ bộ cho thấy đại dịch COVID-19 có thể làm chậm tốc độ gia tăng dân số di cư quốc tế khoảng 2 triệu người vào giữa năm 2020, thấp hơn 27% so với mức tăng dự kiến kể từ giữa năm 2019.
Báo cáo cũng cho biết sự gia tăng số lượng người di cư quốc tế đã diễn ra mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua, đạt 281 triệu người sống ở bên ngoài quốc gia xuất xứ của họ vào năm 2020, tăng từ 173 triệu người năm 2000 lên 221 triệu người năm 2020.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn