Thế giới đã công bố những tác hại khủng khiếp của amiang
Sự tác hại khôn lường của chất amiang trắng – nguyên liệu chính sản xuất tấm lợp fibro xi măng nhiều năm qua là đề tài khiến nhiều nhà y học, khoa học nước ta đau đầu. Bởi mặc dù thế giới công bố những tác hại khủng khiếp, như là một trong những nguyên nhân gây ung thư do chất này mang lại, song Việt Nam vẫn tiến hành nhập khẩu tấm lợp fibro xi măng vì mục đích kinh tế.
Sáng 6/10, tại hội thảo liên quan đến vấn đề này, các nhà y học, khoa học thuộc Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội (VUSTA) một lần nữa lên tiếng mạnh mẽ cảnh báo tác hại của amiang trắng.
Nhiều ý kiến cho rằng, amiang không gây hại cho sức khỏe, thậm chí không gây ung thư, hay cho rằng chưa có vật liệu thay thế tấm lợp chứa amiang trắng (và nếu có thì rất đắt)…
Nhiều ý kiến cho rằng, amiang không gây hại cho sức khỏe, thậm chí không gây ung thư, hay cho rằng chưa có vật liệu thay thế tấm lợp chứa amiang trắng (và nếu có thì rất đắt)…
“Đây là những thông tin thiếu trung thực, không chuẩn xác. Nếu để những thông tin này đến với cộng đồng, cơ quan làm chính sách và đặc biệt đến các đồng chí lãnh đạo sẽ dẫn đến hậu quả xấu cho nhân dân, đất nước” – PGS.TS Bùi Thị An, Phó Chủ tịch VUSTA khẳng định.
PGS.TS Bùi Thị An, Phó Chủ tịch VUSTA, lên tiếng mạnh mẽ về tác hại của amiang trắng tại hội thảo. Ảnh: D.H
Những số liệu đáng báo động về amiang được TS Lê Văn Sơn – Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, đưa ra tại hội thảo: Mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ 60 – 70.000 tấn amiang. Lịch sử tồn tại amiang ở Việt Nam là 50 năm, số sợi amiang đã được sử dụng lên tới vài triệu tấn.
“Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và nhiều nước phát triển đã khuyến cáo: Tất cả loại amiang đều là chất gây ung thư cho con người. Chất này gây ra bệnh ung thư chiếm 50% trong tổng thể ung thư bệnh nghề nghiệp” – TS Lê Văn Sơn nhấn mạnh.
Còn theo bà Đỗ Thị Vân – Giám đốc Trung tâm thông tin tổ chức phi chính phủ, từ những trường học, homestay ở vùng cao, đến nhiều nhà cửa ở đô thị đều xuất hiện tấm lợp fibro xi măng làm từ amiang trắng.
“Đầu năm nay tôi đi Tả Van – làng du lịch ở Sa Pa và thấy hàng loạt homestay đều dùng tấm fibro xi măng. Tôi cũng lên cả vùng cao khó khăn ở Hà Giang, thấy từ trường học, nhà cửa, tấm lợp amiang đều đã mục rồi nhưng bà con vẫn dùng xô chậu hứng nước mưa từ mái nhà để sử dụng. Chúng ta cần nhanh chóng hỗ trợ họ bằng những sản phẩm thay thế, vì họ quá nghèo, bằng cách nào đó hãy để cuộc đời của họ thoát khỏi tấm lợp amiang” – bà Vân chia sẻ.
TS.BS Trần Tuấn – chuyên gia dịch tễ học và sức khỏe dân số, cho biết: Khoa học đã xác định, amiang là một trong những tác nhân gây ung thư. Biện pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cho mọi người khi tiếp xúc với sản phẩm chứa chất này là cấm hoàn toàn sử dụng các loại amiang.
Hãy dừng nhập khẩu amiang trắng!
PGS.TS Nguyễn An Lương - Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn vệ sinh lao động Việt Nam khẳng định điều này tại hội thảo khi nhấn mạnh, phải đặt vấn đề có lộ trình cụ thể, cương quyết cấm nhập amiang để sản xuất tấm lợp Fibro xi măng.
Theo ông, chất amiang trắng được dùng để sản xuất tấm lợp fibro xi măng độc hại, tác nhân gây ung thư đã được WHO, Bộ Y tế cảnh báo rất nhiều lần.
Amiang trắng vẫn sử dụng làm fibro xi măng, gây nguy hại cho sức khỏe. Ảnh minh họa
“Cấm amiang là cấm sản xuất, tiêu thụ và sử dụng. Vì sản xuất amiang hiện tại chỉ có 5.000 lao động, nhưng đem hàng triệu tấm lợp về tiêu thụ tại nông thôn. Nên đặt vấn đề cấm thì từ nay không nhập amiang, không nhập thì không sản xuất, không có tiêu thụ tấm lợp fibro xi măng” – ông Lương đề xuất.
Về vấn đề thay thế tấm lợp fibro xi măng, đặc biệt là ở những vùng cao, miền núi khó khăn, ông Nguyễn An Lương cho rằng Uỷ ban Dân tộc đã khẳng định sẽ không dùng tấm lợp fibro xi măng để hỗ trợ bà con vùng dân tộc nữa.
“Trước mắt, bà con có sử dụng tấm lợp thì khi lợp mái nhà phải đeo khẩu trang kín. Bà con không nên dùng tấm lợp này đập vụn rải đường để tránh bụi phát tán. Cần sớm nhất để có chính sách hỗ trợ thay thế bằng tấm lợp không amiang cho bà con” – ông Lương khuyến cáo.