Liên cầu khuẩn lợn có phải chỉ xuất hiện trong tiết canh?

15:46 | 14/03/2023;
Mới đây thông tin từ CDC Hà Nội cho biết, một nam giới (51 tuổi, huyện Quốc Oai, Hà Nội) bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn dù không ăn tiết canh hay tham gia giết mổ lợn. Liên cầu khuẩn lợn có phải chỉ có trong tiết canh?

Nhiễm liên cầu khuẩn lợn hay còn gọi là bệnh liên cầu khuẩn lợn ở người là bệnh lý nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn Streptococcus suis (S. suis) gây ra - bệnh có thể gây ra tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

1. Liên cầu khuẩn lợn có phải chỉ có trong tiết canh?

Nhiễm S. suis là một bệnh phổ biến ở lợn. Vi khuẩn này được mang trong đường hô hấp trên (xoang mũi và hạch hạnh nhân) của lợn, đôi khi cũng ở trong đường tiêu hóa hoặc đường sinh dục của lợn. Khuẩn lây lan giữa các con lợn bằng cách tiếp xúc mũi với mũi hoặc hít thở trong khoảng cách ngắn. Ngoài lợn (bao gồm cả lợn rừng), đôi khi khuẩn S. suis có thể được tìm thấy ở các động vật khác như ngựa, chó, dê, mèo và chim.

Nhiễm S. suis ở người xảy ra chủ yếu ở người trưởng thành. Bệnh lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp và thường liên quan đến phơi nhiễm qua vết thương trên da khi chế biến (thịt) lợn hoặc động vật khác bị nhiễm bệnh, nhưng phổ biến nhất là ở thịt lợn sống và các sản phẩm khác của lợn.

Như vậy có thể thấy, liên cầu khuẩn ở lợn không chỉ có trong tiết canh mà còn có trong các chế phẩm khác của lợn, đặc biệt là các món từ thịt lợn sống, tái như nem chạo, nem chua được chế biến không đảm bảo vệ sinh.

Nhóm có yếu tố rủi ro cao nhiễm S. suis là những người chăn nuôi lợn, công nhân lò mổ, người vận chuyển - sơ chế thịt, người bán thịt lợn và đầu bếp nấu ăn. Ngoài ra, người bị suy giảm miễn dịch, bao gồm cả những người bị cắt bỏ lá lách, người bị tiểu đường, ung thư và nghiện rượu cũng có nguy cơ nhiễm khuẩn liên cầu lợn cao hơn nhóm khỏe mạnh.

Liên cầu khuẩn lợn có phải chỉ có trong tiết canh? - Ảnh 1.

Liên cầu khuẩn lợn có phải chỉ có trong tiết canh? (Ảnh: Internet)

2. Dấu hiệu nhiễm liên cầu khuẩn lợn là gì?

- Dấu hiệu nhiễm liên cầu khuẩn lợn

Xét về đặc điểm lâm sàng thì nhiễm liên cầu khuẩn lợn thường gây ra viêm màng não (gọi là viêm màng não khuẩn liên cầu) với các biểu hiện sốt, nhức đầu và nôn mửa. Bệnh cũng có thể gây xuất huyết dưới da với các mảng thâm/tím đen. 

Nhiễm độc tiêu hóa cũng có thể xảy ra bao gồm tiêu chảy, phân lỏng kèm theo rét run và ớn lạnh trước khi xuất hiện các biểu hiện của viêm màng não.

Phát hiện ở thời điểm muộn, người bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn có thể bị sốc nhiễm độc, trụy mạch, tụt huyết áp nhanh, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng... dẫn tới tử vong.

Liên cầu khuẩn lợn có phải chỉ có trong tiết canh? - Ảnh 2.

Hình ảnh nhiễm khuẩn liên cầu lợn (Ảnh: NLĐ)

- Thời gian ủ bệnh và lây truyền

Thời gian ủ bệnh thường từ một vài giờ cho tới 3 ngày sau khi ăn. Về thời kỳ lây truyền, tính tới thời điểm hiện tại chưa có nhiều thông tin đầy đủ được xác nhận. Các chuyên gia giả thiết rằng, khi lợn bị bệnh, vi khuẩn S.suis biến đổi và tăng độc tính mới lây nhiễm cho người.

- Bệnh có lây từ người sang người không?

Hiện nay chưa có thông tin và bằng chứng cho thấy khuẩn liên cầu lợn lây truyền từ người sang người.

3. Phòng tránh như thế nào?

Do biến chứng bệnh nguy hiểm và hậu quả nặng nề như ù tai, suy giảm thính lực, điếc toàn phần... nên việc phòng tránh nhiễm liên cầu khuẩn lợn là vô cùng cần thiết. Theo khuyến cáo, để phòng tránh nhiễm liên cầu khuẩn lợn, người dân cần:

- Giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt

+ Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi chạm vào mắt, mũi hoặc miệng. Rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước sạch ít nhất trong 20 giây sau đó rửa lại bằng nước và lau khô bằng khăn giấy dùng một lần. Trong trường hợp không có xà phòng và nước rửa tay, có thể sử dụng nước rửa tay chứa ít nhất 60% cồn để thay thế

+ Tránh tiếp xúc trực tiếp với lợn hay các loại động vật có nguy cơ nhiễm khuẩn cao - nhất là khi con vật bị ốm. Cần đeo găng tay, khẩu trang, bảo hộ khi xử lý giết mổ lợn hay chế biến thực phẩm. Nói cách khác, phải có biện pháp bảo hộ lao động như đeo găng tay, khẩu trang cho những người chăn nuôi, tiếp xúc, giết mổ, buôn bán gia súc.

+ Che vết thương đúng cách bằng các loại gạc không thấm nước trước khi xử lý/chế biến bất kỳ loại thịt sống nào.

- Giữ gìn vệ sinh thực phẩm tốt

+ Không ăn tiết canh, không ăn thịt từ các con lợn bị ốm, chết

+ Không ăn sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín nói riêng và các con vật khác nói chung

+ Mua thực phẩm rõ nguồn gốc

+ Thịt lợn sống cần bảo quản trong hộp kín, bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ 4 độ C hoặc thấp hơn. Không để lẫn thịt sống và thịt chín

+ Các bề mặt, đồ dùng để chế biến thịt sống và thịt chín cần phải riêng biệt.

Nhìn chung, những người có các triệu chứng nghi ngờ nhiễm liên cầu khuẩn nên thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt để tránh các biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn