Mô hình trồng nấm tại xã Tân Thanh |
Trong ngày đầu xuân mới, vẫn còn mùi thơm của bánh chưng, dưa hành muối, lễ hội náo nhiệt diễn ra khắp nơi, chúng tôi, đến thăm cơ sở sản xuất nấm của Tổ phụ nữ liên kết trồng và chế biến nấm sạch xã Tân Thanh (huyện Lạng Giang, Bắc Giang), một không khí làm việc sôi nổi, khẩn trương, nhanh nhẹn, trong tiếng cười vui vẻ.
Để có được cơ sở sản xuất như ngày hôm nay là bao bước thăng trầm. Được thành lập tháng 7 năm 2014, với 25 thành viên, trước đây chủ yếu làm ruộng, kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn. Với sự giúp đỡ của Hội LHPN huyện, tỉnh và quyết tâm của các thành viên mong muốn phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình. Tuy nhiên, với những khó khăn ban đầu “về kỹ thuật, quản lý, công nghệ máy móc…do đều sơ khai, cùng thời điểm gặp thời tiết khắc nghiệt nhiệt độ ban ngày chênh lệch nhiệt độ ban đêm quá cao nên sự phát triển của nấm không thích hợp dẫn đến năng xuất kém hiệu quả giá cả thị trường chưa ổn định cho nên việc thu nhập kinh tế chưa hiệu quả, đặc biệt vốn đầu tư còn thiếu cho nên trong việc tái sản xuất cò hạn chế...” chị Bùi Thị Quyết, tổ trưởng cho chúng tôi biết. Những khó khăn đó không làm nản lòng, với quyết tâm, sự chịu thương, chịu khó, các chị trong tổ dần khắc phục khó khăn bằng nhiều cách như: Tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm những tổ sản xuất nấm đã làm lâu năm và vận dụng những kiến thức chị em đã được trang bị để vận dụng trong việc đảo ủ nguyên liệu đúng quy trình trong sản xuất nấm; tận dụng những nguồn rơm dạ sẵn có của các hộ gia đình nhằm giảm đầu tư nguồn vốn mặc dù tổ chưa có máy móc vận hành công nghệ nhưng chị em đã vận dụng làm thủ công dùng thuốc bông bằng máy tuốt lúa, lò sấy thủ công chọn thời điểm thích hợp sản xuất sao cho phù hợp tìm đầu ra bao tiêu sản phẩm tăng nguồn thu nhập cho các thành viên trong tổ.
Nấm được trồng trong tổ liên kết |
Từ những nguồn vốn đầu tư hỗ trợ của các tổ chức và Hội LHPN các cấp, sự đầu tư vốn nguyên liệu sẵn có của gia đình các thành viên trong tổ, cơ sở trồng nấm của Tổ phụ nữ liên kết trồng và chế biến nấm đã hoạt động hiệu quả, giải quyết việc làm cho 60 lao động nữ dư thừa trong địa phương; giúp cho 2 hội viên thoát nghèo bền vững tăng thu nhập kinh tế gia đình của các thành viên trong tổ. Hiện nay, mỗi thành viên thu nhập 3 triệu đồng/tháng, giúp đời sống gia đình ổn định hơn. Trong những năm tiếp theo, tổ tiếp tục duy trì sản xuất nấm sò, nấm mỡ, mộc nhĩ, thu hoạch khoảng 1,5 đến 1,6 tấn/ mùa, đảm bảo thu nhập bình quân tăng lên 3,5- 4 triệu đồng/tháng/người.
Chị Phan Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lạng Giang cho rằng, tổ liên kết trồng nấm đã kịp thời phát huy tốt vai trò của hội viên, phụ nữ, thực hiện hiệu quả mô hình phát triển kinh tế kiểu mới, thúc đẩy cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, góp phần hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.