Liên thông đơn thuốc điện tử được Bộ Y tế triển khai từ năm 2019, với mục đích giúp ngành Y thống kê chính xác các mặt bệnh học, tình trạng sử dụng thuốc và hoạt động hành nghề của bác sỹ.
Theo Bộ Y tế, việc triển khai hệ thống khép kín trên phạm vi toàn quốc sẽ thực hiện được việc bán thuốc theo đơn đúng và chính xác, tránh việc mua thuốc tràn lan, bừa bãi và tình trạng kháng kháng sinh do "nhờn" thuốc - một vấn đề nhức nhối hiện nay.
Việc liên thông này từng bước tiến tới bệnh viện không giấy tờ, phục vụ người dân ngày một tốt hơn. Phần mềm của cơ sở khám, chữa bệnh sẽ tạo ra đơn thuốc điện tử, gửi tới người bệnh và liên thông lên hệ thống đơn thuốc quốc gia của Bộ Y tế.
Khi người bệnh tới cơ sở bán lẻ thuốc, thông qua mã đơn thuốc mà người bệnh cung cấp, phần mềm cơ sở bán lẻ thuốc nhập liệu sẽ kéo đơn về kiểm tra và bán thuốc theo đơn, rồi gửi báo cáo về đơn đã bán, để tránh tái bán.
Theo quy định tại Thông tư 27/2021/TT-BYT và Thông tư 04/2022/TT-BYT của Bộ Y tế, hạn cuối để các cơ sở y tế thực hiện liên thông đơn thuốc điện tử lên Hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn là ngày 30/6/2023.
Tuy nhiên, thời hạn mà Bộ Y tế đề ra cho các cơ sở khám, chữa bệnh đã qua hơn một năm nhưng tiến độ vẫn khá ì ạch. Trong số hơn 19.000 cơ sở khám, chữa bệnh được cấp mã, chỉ có hơn 8.000 cơ sở thường xuyên thực hiện liên thông đơn thuốc.
Cả nước mới có 68% bệnh viện đang thực hiện liên thông đơn thuốc. Tình hình ở các trạm y tế cũng không khá hơn khi chỉ có 5.029 trên tổng số 11.007 trạm y tế thực hiện liên thông đơn thuốc đúng quy định, đạt 46%. Ở mảng tư nhân, con số còn bi đát hơn khi số cơ sở đang thực hiện liên thông đơn thuốc chỉ đạt 5%.
Được biết, một số Sở Y tế như Sơn La, Hải Dương, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Cần Thơ, Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang… có tỷ lệ cơ sở khám chữa bệnh tư nhân liên thông đơn thuốc điện tử Quốc giá rất thấp, thậm chí có đơn vị tỷ lệ liên thông gần như bằng không.
Bác sĩ Phạm Viết Hiệp, nhân viên một trạm y tế trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn (tỉnh Nghệ An), cho biết, việc triển khai liên thông đơn thuốc điện tử tại đây còn gặp rất nhiều khó khăn. Đa số hệ thống phần mềm ở đây đều được trung tâm y tế hỗ trợ vì nhân lực của trạm ít, kỹ năng Tin học kém.
"Tôi là nhân viên trẻ tuổi nhất của trạm, có hiểu biết chút ít về công nghệ thông tin nhưng ở trạm chỉ có 5 nhân viên, phụ trách mấy nghìn dân. Nhân lực thì thiếu, hồ sơ giấy tờ nhiều, lại đủ thứ việc đến tay, từ khám chữa bệnh, kê đơn, làm các chương trình mục tiêu y tế, phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng, vệ sinh vườn trạm…", anh Hiệp cho hay.
Còn tại Trạm y tế xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), hàng ngày, các đơn thuốc đều được đẩy lên hệ thống thông tin Quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn. Tuy nhiên, do lỗi phần mềm nên việc này thường xuyên rơi vào tình trạng lúc được lúc không.
Không chỉ các trạm y tế, nhiều phòng khám cũng gặp phải khó khăn tương tự. Bác sĩ Phạm Thị Nhi, chủ một phòng khám chuyên khoa da liễu tại thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang), chia sẻ: "Các bệnh viện công lập, phòng khám đa khoa quy mô lớn họ có đầy đủ nhân lực, vật lực, trang thiết bị và trình độ về công nghệ thông tin.
Còn những phòng khám nhỏ như chúng tôi, tài chính eo hẹp, phải cân đối nhiều thứ, trong khi đó chi phí mua máy tính, kết nối mạng, phần mềm kê đơn thuốc điện tử cũng là một khoản cần tính toán".
Tại một số phòng khám tư nhân khác, phần mềm liên thông đơn thuốc điện tử cũng đã được trang bị đầy đủ. Tuy nhiên, số lượng đơn được đẩy lên hệ thống hiện nay chỉ chiếm khoảng 20%.
Theo đại diện của những phòng khám này, nguyên nhân là do quá trình tìm tên thuốc trên phần mềm để kê đơn mất nhiều thời gian. Trong khi đó, việc kê đơn tại các phòng khám phải đảm bảo rút ngắn thời gian chờ đợi của khách hàng.
Bác sĩ Hoàng Hữu Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá, cho biết, hiện tại, đơn vị đã triển khai kê đơn thuốc điện tử và liên thông dữ liệu trên hệ thống quản lý của Bộ Y tế, tỉ lệ liên thông đạt 100%.
"Tuy nhiên, có một bất cập là hiện tại, phần lớn nhà thuốc bên ngoài bệnh viện không truy cập vào hệ thống để xem mà chỉ nhìn vào đơn thuốc để bán hàng hoặc bán thuốc không cần có sự kê đơn của bác sĩ. Nhiều nhà thuốc vẫn chưa thực hiện liên thông để quản lý đơn thuốc theo quy định của Bộ Y tế", ông Trường nhấn mạnh.
Theo Bộ Y tế, do bước đầu sử dụng, việc kết nối tại các cơ sở còn lúng túng, vướng mắc nên các Sở Y tế chủ yếu hướng dẫn, nhắc nhở. Hơn nữa, việc ban hành quy chế vận hành chính thức hệ thống đơn thuốc quốc gia theo yêu cầu là phải thực hiện xong từ tháng 3/2023 nhưng đến nay vẫn chưa xong. Điều này cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện liên thông đơn thuốc điện tử.
Một nguyên nhân khác là lãnh đạo nhiều cơ sở khám chữa bệnh chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của việc liên thông đơn thuốc điện tử nên chưa có sự quan tâm đúng mức.
"Tình trạng kê đơn thuốc bằng tay, kê đơn không đúng quy định mẫu đơn thuốc của Bộ Y tế vẫn còn. Nhiều cơ sở bán lẻ thuốc chưa sử dụng mã đơn thuốc khi giao dịch bán thuốc theo đơn. Lãnh đạo của một số cơ sở y tế, đơn vị thiếu quyết liệt trong chỉ đạo việc liên thông đơn thuốc điện tử và chưa thấy việc này là cần thiết.
Việc kiểm tra, xử phạt bán thuốc không kê đơn còn ít", ông Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội Tin học Y tế, nhấn mạnh tại buổi tập huấn về triển khai liên thông đơn thuốc do hội tin học y tế phối hợp tổ chức mới đây.
Các chuyên gia cho rằng, để việc thực hiện liên thông đơn thuốc điện tử đạt yêu cầu đề ra, Bộ Y tế cần đưa tiêu chí liên thông đơn thuốc thành tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện hàng năm.
Bộ Y tế và các Sở Y tế cần thành lập các đoàn thanh, kiểm tra để đánh giá việc triển khai tại các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở bán lẻ thuốc trong và ngoài công lập. Cần có chế tài xử phạt các đơn vị chậm trễ để thúc đẩy triển khai đúng quy định, đồng thời, đưa việc liên thông đơn thuốc thành tiêu chí đánh giá chất lượng cơ sở thường xuyên.
Đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, đơn vị đang hoàn thiện quy chế kê đơn thuốc điện tử và sẽ ban hành trong thời gian tới để các đơn vị triển khai thực hiện. Liên quan việc xử phạt các đơn vị triển khai chậm, cơ quan chức năng sẽ thực hiện theo Nghị định của Chính phủ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn