Liệt sĩ Nguyễn Thị Tú trong ký ức của con gái

18:39 | 30/07/2024;
Với người dân, bà Nguyễn Thị Tú là nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung. Bà đã tham gia nhiều hoạt động và từng giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN Giải phóng miền Nam Việt Nam. Còn với các con, hình ảnh mà bà để lại là người mẹ mảnh mai, dạy con bằng lời nói dịu dàng và luôn làm bạn với con.

Video clip giới thiệu cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Liệt sĩ Nguyễn Thị Tú

Trong những ngày tháng 7 - tháng tri ân những người nằm xuống cho Tổ quốc bình yên, cho Nhân dân hạnh phúc - bà Trần Quế Nga (78 tuổi, trú tại Q.Tân Phú, TPHCM), con gái của liệt sĩ Nguyễn Thị Tú, lại rưng rưng xúc động khi nhớ về người mẹ của mình.

Bà Quế Nga cho biết, từ nhỏ bà đã cảm nhận được tình yêu thương ấm áp của mẹ qua cử chỉ, hành động và lời nói rất nhẹ nhàng nhưng nghiêm túc. Phương pháp nuôi dạy con của bà Nguyễn Thị Tú tiến bộ, hiện đại khi bà luôn làm bạn với con.

Bà Quế Nga nhớ lại: "Lúc tôi tầm 4 tuổi, có lần theo mẹ đi hoạt động ở sau lưng Ủy ban thành phố. Hôm ấy cũng có mấy đứa con nít trạc tuổi vui chơi ở vườn hoa gần đó. Tôi xin mẹ cho lại đó chơi nhưng mẹ không đồng ý. Tôi đã không nghe lời vẫn chạy ra chơi và bị trượt té, quần áo ướt hết. Tôi cứ nghĩ mẹ sẽ la cho một trận. Thế nhưng, mẹ lại ôm tôi vào lòng và hỏi con có lạnh không? Mẹ không la rầy tiếng nào hết. Mẹ tôi thời đó đẹp lắm, dáng người mảnh mai. Mẹ là người phụ nữ rất tân tiến và hiện đại, thành ra cách dạy con vừa nghiêm túc vừa nhỏ nhẹ, vừa làm bạn với con. Anh chị em tôi rất nghe lời".

Trong mắt bà Quế Nga, người mẹ Nguyễn Thị Tú dạy con rất kỹ bằng phong thái dịu dàng và lời nói văn chương, dễ ghi nhớ. Bà Quế Nga kể: "Mẹ bày tôi nhiều điều hay trong cuộc sống với lời nói luôn có hoa văn. Vậy nên tôi luôn ghi nhớ. Nhớ hôm tôi nhóm lửa mãi không đỏ, củi cứ xếp xẹp lép, mẹ mới bảo "lòng người cho chặt - lòng bếp cho thông", vừa nói mẹ vừa chỉ cách nhóm lửa".

Liệt sĩ Nguyễn Thị Tú trong ký ức của con gái- Ảnh 1.

Bà Trần Quế Nga (áo đỏ) cùng các anh chị em trong 1 lần hội ngộ

Bà Quế Nga kể thêm: "18 tuổi, tôi vào chiến khu. Tôi hăng hái bước theo con đường mẹ đã đi. Lúc đó, tôi và các chị em đồng đội ai cũng gan dạ và làm việc bằng tất cả lòng nhiệt thành. Nhiều khi, chúng tôi vác cả bao gạo 50 kg, khiêng đạn vừa đi vừa chạy, làm không thua kém gì mấy anh thanh niên. Khi  bị địch bắt vào tù, tôi bị xếp vô danh sách tù chống đối và nhốt riêng để tra tấn. Có lần chúng tra tấn bằng bom có tính gây bỏng. Chị em cùng phòng giam bị bỏng nhiều lắm. Bản thân tôi bị bỏng đến nỗi cánh tay, cái mông cháy nám đen thui, da mặt như quỷ đen! Lúc đó, trong đống đồ đạc ngổn ngang, tôi tìm thấy chai dầu cá, nhớ lời mẹ dạy, tôi đã lấy bôi lên mặt. Nhờ đó mà mặt tôi mau lành hơn. Chứ không bây giờ không biết gương mặt sẽ biến dạng như thế nào".

"Nhớ lúc ở chiến khu, vì sống trong môi trường quân sự, khi có hiệu lệnh phải dậy, thu xếp đồ đạc gọn gàng và chạy ra điểm tập trung thật nhanh. Ai cũng làm cho lẹ chứ không bị phê bình. Tôi nhớ mãi, có lần mẹ đi dự Hội nghị Đông Dương ở bên Campuchia về, mẹ có ghé vào cơ quan của tôi ở trong rừng (Tây Ninh), cơ quan giáo dục của Trung ương cục. Mẹ ở lại với tôi vài hôm. Lúc đó mình còn trẻ, còn ham ngủ, nên nhiều hôm gấp đồ không kịp, tôi cuộn tròn, cho vào cái túi và mang chạy cho kịp giờ. Hôm đến chơi, mẹ dở cái túi của tôi ra, mẹ xếp lại ngay ngắn, để vào lại. Mẹ đi về cũng không nói tiếng nào cả, không rầy la gì cả. Nghĩ lại mà thấy thương mẹ vô cùng", bà Quế Nga kể lại.

Chia sẻ về quá trình đi tìm hài cốt của mẹ, bà Quế Nga bùi ngùi nhớ lại: "Đầu năm 1967, mẹ tôi mất tích trong trận càn Cedar Falls của Mỹ - Ngụy vào khu "Tam giác sắt" gồm các huyện Củ Chi, Dầu Tiếng, Bến Cát. Mãi đến năm 1997, hài cốt của mẹ mới được tìm thấy ở dưới bụi tre tại Bình Dương. Trong suốt 30 năm tìm kiếm, gia đình đã lấy ngày Rằm tháng Giêng để làm giỗ cúng mẹ. Ngày tìm được hài cốt của mẹ, tâm trạng của anh chị em tôi vừa mừng vừa khóc. Mừng vì đã tìm được, còn khóc vì quá đau lòng khi mẹ đã chịu nhiều đau đớn".

Để tưởng nhớ đến người mẹ đã mất, năm 2002 bà Trần Quế Nga đã xây dựng nên ngôi trường mầm non tại quận Tân Phú, TPHCM và đặt tên là Nguyễn Thị Tú. Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, ngôi trường đã khẳng định được vị thế của mình, được phụ huynh tín nhiệm, là môi trường lý tưởng cho trẻ phát triển.

Bà Quế Nga tâm sự: "Tôi làm hiệu trưởng trường THPT Trần Phú khoảng 20 năm. Sau khi nghỉ hưu, tôi xây dựng ngôi trường mầm non này. Tôi có xin ý kiến của các anh chị em và quyết định lấy tên mẹ đặt cho ngôi trường. Sau khi đặt tên trường rồi mới thấy trách nhiệm rất nặng, làm phải làm cho tốt để không bị ảnh hưởng đến tên tuổi mẹ. Bây giờ, tôi chuyển lại cho con gái quản lý. Thỉnh thoảng, tôi vẫn đến trường để xem các bé và cần gì thì giúp. Tôi cũng rất mừng khi giúp ích cho xã hội, con cái khoẻ mạnh cha mẹ cũng an tâm đi làm, phát triển kinh tế, xây dựng đất nước".

Bà Nguyễn Thị Tú còn có tên gọi khác là Năm Tú. Bà sinh năm 1923 tại Cần Thơ. Năm 1945, khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ, tại quê nhà, với tư cách là Tổng thư ký Phụ nữ Tiền Phong tỉnh Sóc Trăng, bà đã cùng chồng và các anh em tham gia cướp chính quyền. Năm 1947, chồng bà - ông Trần Thượng Tân - hy sinh.

Sau đó, bà được tổ chức yêu cầu chuyển về Sài Gòn, tham gia các phong trào đấu tranh công khai của Sài Gòn - Chợ Lớn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Huỳnh Tấn Phát và đồng chí Nguyễn Thị Lựu.

Năm 1949, bà tái giá với ông Tạ Bá Tòng - người đồng hương Sóc Trăng. Năm 1951, bà vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Lao động Việt Nam; được phân công chỉ đạo phong trào phụ nữ Sài Gòn - Gia Định.

Năm 1954, bà là Tổng thư ký Ban chấp hành Hội Phụ nữ Việt Nam hoạt động công khai tại Sài Gòn.

Năm 1955, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, bà bị đày ra Côn Đảo, bị giam giữ ở nhiều nhà tù như: Thủ Đức, Phú Lợi, Chí Hòa, Phú Quốc…, bị giặc tra tấn dã man.

Năm 1961 - 1965, bà được bầu làm Hội trưởng Ban chấp hành Lâm thời Trung ương Hội Phụ nữ Giải phóng Miền Nam Việt Nam.

Năm 1965, tại Đại hội Phụ nữ toàn miền Nam lần thứ nhất, bà được bầu làm Tổng thư ký và là Ủy viên thường trực BCH Hội Phụ nữ Giải phóng Miền Nam Việt Nam, đồng thời là Hội trưởng Hội phụ nữ giải phóng Sài Gòn - Gia Định.

Đầu năm 1967, bà Năm Tú mất tích trong một trận càn của Mỹ - Ngụy vào khu "Tam giác sắt" gồm các huyện Củ Chi, Dầu Tiếng, Bến Cát. Mãi đến ngày 14/12/1997, hài cốt của bà mới được tìm thấy ở Bình Dương. Bà bị chôn trong tư thế ngồi, chân và tay bị trói.

Bà được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Liệt sĩ Nguyễn Thị Tú có 7 người con. Hiện nay 1 người đã mất, 6 người còn sống. Trong các con bà, có 3 người con gái nổi tiếng:

+ Bà Trần Tố Nga - người phụ nữ nổi tiếng trong vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ đã cung cấp chất độc da cam/dioxin cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, bà đòi công lý không chỉ cho mình mà hàng triệu nạn nhân chất độc da cam khác ở Việt Nam.

+ Bà Trần Quế Nga, từng là hiệu trưởng một trường cấp III tại TPHCM. Khi về hưu, bà xây trường mầm non tại quận Tân Phú và đặt theo tên của mẹ mình - Nguyễn Thị Tú để làm kỷ niệm và nhớ ơn mẹ.

Cả 2 bà đều là chiến sĩ cách mạng kiên trung, bị địch bắt, tù đày qua các nhà tù của Mỹ.

+ Bà Trần Tuyết Nga là tổng giám đốc khu du lịch Một thoáng Việt Nam (huyện Củ Chi, TPHCM).

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn