Bức ảnh phác họa ông Tiến mà gia đình ông để thờ suốt mấy chục năm qua. |
Từ khi sinh ra, anh Đinh Thế Hiến (SN 1977) chưa một lần biết mặt bố. Lớn lên, anh được mẹ bảo, bố đã hy sinh tại mặt trận phía Tây Nam. Sau gần 40 năm, bố anh Hiến bỗng nhiên trở về, trước sự ngỡ ngàng của cả gia đình.
Suốt những ngày qua, gia đình anh Đinh Thế Hiến ở xóm Trại Mới, xã Cao Dăm, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình tấp nập khách ra vào. Bà con người Mường trong xóm, ai cũng mừng cho gia đình anh Hiến có một cuộc đoàn viên hơn cả trong mơ.
Bố của anh Hiến là ông Đinh Thế Tiến (SN 1955) tham gia quân ngũ năm 1977 và được chứng nhận đã hy sinh tại mặt trận phía Tây Nam. Từ lúc lọt lòng mẹ đến khi lập gia đình, anh Hiến chưa biết mặt cha. Nay bỗng dưng anh có bố, anh khóc suốt, những giọt nước mắt của niềm vui, của sự sum họp.
Anh Hiến năm nay tròn 39 tuổi cũng là ngần ấy năm, anh không biết mặt bố của mình. Lớn lên, anh mới biết là bố đã hy sinh. Người mẹ hiền của anh là bà Hoàng Thị Thả (SN 1957) tần tảo sớm hôm, ở vậy nuôi con trai lớn khôn.
“Nhà chỉ có hai mẹ con thui thủi bao năm. Hôm bố tôi trở về quê hương, tuy chưa bao giờ gặp mặt, nhưng tôi cứ ôm bố mà khóc suốt. Chưa bao giờ tôi lại cảm thấy hạnh phúc đến thề vì mình có bố”, anh Hiến chia sẻ.
Ông Tiến bên gia đình 2 người vợ, một miền Nam, một miền Bắc. |
Không riêng gì anh Hiến, anh em, họ hàng của ông Tiến ai cũng vui mừng. "Thế là cái chàng trai người Mường săn bắn giỏi nhất xóm đã trở về nhà sau 39 năm xa cách", người dân xóm Trại Mới nói trong vui mừng và tự hào.
Ông Tiến trở về bằng xương, bằng thịt, chứ không phải là cái giấy báo tử của mấy chục năm trước. Ông Đinh Thế Thắng (em trai của ông Tiến) cứ ôm anh mà không rời nửa bước. Bản thân ông Tiến cũng vậy, ông không tin là đời mình lại có ngày sum họp như hôm nay.
Nắm tay anh thật chặt, ông Thắng ôn lại cái ngày gia đình nhận được Giấy báo tử của người anh trai cả của gia đình. Trước năm 1992, khi chưa nhận được giấy báo tử, dù bặm tin đã gần 20 năm nhưng gia đình, họ hàng vẫn nuôi hy vọng, vợ ông, bà Hoàng Thị Thả là người nuôi nhiều hy vọng nhất. "Thế nhưng khi nhận được giấy báo tử, cả gia đình như sụp đổ. Nhận cái giấy đó, gia đình coi như đã hết hy vọng”, ông Thắng bùi ngùi nhớ lại.
Mỗi một câu chuyện về ông Tiến là những kỉ niệm vô cùng sâu nặng. Anh em của ông Tiến ai cũng bùi ngùi nhắc lại những ngày tháng vô cùng khó khăn đối với gia đình. Bà Đinh Thị Diên – chị gái của ông Tiến - miệng cười nói rôm rả mà lệ đôi hàng. Bà nắm tay, rồi nắm chân, sờ lên mái tóc đã bạc trắng của người em trai mà lòng tràn hạnh phúc. “Đúng cậu Tiến rồi. Cái trán cao, bằng và thông minh này không thể trộn lẫn được. Bàn tay to, chai sần đã nhâng nỏ lên là trăm phát trăm trúng đây rồi. Đúng em tôi rồi”, bà Diên nói với em trai như để bù những ngày xa cách.
Ông Tiến – chàng trai Mường đã xa quê gần 40 năm - nay nói giọng miền Nam đặc sệt. Mái tóc đã bạc trắng, tác phong chậm chạp hơn xưa nhiều nhưng ông cũng rưng rưng niềm xúc động. Tiếng Mường ông cũng đã quên vì quá lâu rồi, ông không có khái niệm gì về ngôn ngữ của người Mường nữa. Ông chỉ nghe được vài từ, chứ không nói được tiếng mẹ đẻ nữa. Thế nhưng, tình cảm ruột thịt, anh em như thể chân tay tựa như là một thứ keo sơn kéo ông trở lại với xứ Mường.
Ông nhìn ai cũng đã thấy già hơn và không có khái niệm về sự thay đổi. Bao kỉ niệm, bao con người cứ dần hiện lên trong tâm trí của người cựu binh năm xưa. Ông bảo với mọi người, ông bị thương nặng sau trận chiến, khi ông tỉnh dậy giữa rừng, thấy mình không nhớ gì hết. Khắp người băng bó, cạnh đó là một nữ quân y đang chăm sóc ông tận tình. Ông cũng không biết mình đang ở đâu, vì sao mình lại ở đó. Ông hoang mang tột độ vì ông không có một chút khai niệm hay chút nhớ gì về những việc đã từng xảy ra.
Ông Tiến cùng gia đình trong lần trở về Hòa bình tháng 3/2016. |
Sau khi được cứu chưa, ông Tiến vô cùng dằn vặt, không biết mình đi đâu, về đâu. Ai hỏi gì, ông cũng không nhớ và không biết. Tự dưng ông lại cô đơn giữa dòng người. Bao lớp ký ức, bao kỉ niệm của một thời trai tráng, xứ Mường chìm trong sương, không ngợi nhớ trong ông một mảy may suy nghĩ gì. Ông thấy mình là một người thừa và hoang mang tột độ.
Chính trong lúc khó khăn nhất đó, ông được vị nữ y sĩ quân y năm đó tương trợ, giúp đỡ. Người nữ y sĩ quân y đó đã mở lòng đón nhận ông để xây dựng một gia đình. Trong suốt quá trình sinh sống, người vợ này của ông luôn tìm cách khơi ngợi lại trong ông về vùng ký ức đã bị lãng quên.
Suốt mấy chục năm, ông chỉ sống với hiện tại. Ông xây dựng gia đình và ở lại huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang sinh sống. Ông đã có 5 người con, khi các con khôn lớn, chúng đều mong muốn biết quê nội ở đâu. mỗi khi chúng hỏi, ông Tiến chỉ biết lắc đầu và bảo với các con: "Không rõ quê mình ở đâu. Bố chẳng biết gì cả".
Nguyên là do sau thời gian bị thương, ông Tiến đã bị mất trí nhớ. Mãi đến năm 2015 ông Tiến mới phục hồi trí nhớ và ông Tiến đã kể cho các con của mình nghe về nơi ông sinh ra. Cuối tháng 3/2016, ông Tiến mới được trở về đoàn tụ với gia đình sau 39 năm xa cách.
Hiện giờ ông Tiến đang sinh sống tại xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. |
Trước đó, Báo Phụ nữ Việt Nam có đưa tin về ông Đinh Thế Tiến, người dân tộc Mường, ở xóm Trại Mới vừa trở về nhà sau 39 năm. Theo hồ sơ quản lý tại UBND xã Cao Dăm, ông Tiến sinh năm 1955. Tháng 6/1977, ông Tiến nhập ngũ và đi chiến đấu tại chiến trường Tây Nam. Từ khi vào chiến trường, ông Tiến chỉ viết thư về được 1 lần. Gia đình không nhận được tin tức gì về ông Tiến trong suốt thời gian dài. Mãi đến năm 1992, gia đình ông Tiến mới nhận được Giấy báo tử gửi về. Nội dung giấy báo tử cũng chỉ ghi là: Hy sinh tại mặt trận phía Nam.
PNVN sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với "liệt sĩ" Đinh Thế Tiến và người vợ của ông.