Liệu việc sửa Luật Đất đai có giảm được tình trạng đầu cơ bất động sản?

13:58 | 07/04/2023;
"Hiện nay, nước ta đang có nhiều ngôi nhà chưa được bán, chưa kể các ngôi nhà đã bán nhưng không có người ở. Liệu việc sửa Luật lần này có giảm được tình trạng đầu cơ bất động sản, bong bóng bất động sản để tạo nguồn lực cho sản xuất hay không?", đại biểu Đinh Ngọc Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau - đặt câu hỏi.
"Đất đai thuộc sở hữu toàn dân thì chênh lệch địa tô có phân phối cho toàn dân?"

Sáng 7/4, hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục cho ý kiến về Luật Đất đai (sửa đổi). 

Đại biểu Đinh Ngọc Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau - nêu tình trạng chênh lệch về lợi tức từ việc chuyển các loại đất không phải đất ở sang đất ở rất lớn. Tại các khu vực đô thị, chênh lệch phần lợi tức có thể lên tới hàng chục triệu đồng mỗi m2. Theo ông Minh, phần lợi tức này chủ yếu do doanh nghiệp bất động sản đang được hưởng. Điều này cũng là lý do hầu hết các "đại gia" tại Việt Nam đều xuất phát từ kinh doanh bất động sản.

Liệu việc sửa Luật Đất đai có giảm được tình trạng đầu cơ bất động sản? - Ảnh 1.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau

"Theo Hiến pháp đất đai là sở hữu toàn dân thì sửa luật Đất đai lần này có thu phần chênh lệch địa tô này để phân phối cho toàn dân hay không và hướng điều tiết như thế nào cũng chưa thấy trong luật", ông Minh nêu.

Ngoài ra, đại biểu Đinh Ngọc Minh nêu rõ, hiện nay ở nước ta đang có nhiều ngôi nhà chưa được bán, chưa kể các ngôi nhà đã bán nhưng không có người ở. Đại biểu đặt câu hỏi, liệu việc sửa Luật lần này có giảm được tình trạng đầu cơ bất động sản, bong bóng bất động sản để tạo nguồn lực cho sản xuất hay không? Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần có đánh giá cụ thể về vấn đề này nhằm tránh hệ quả tăng trưởng dựa vào bất động sản.

Bên cạnh đó, đại biểu nhấn mạnh, liệu việc sửa đổi Luật lần này có tạo điều kiện cho các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận đất đai để mở các công xưởng, nhà máy nhằm tận dụng được cơ hội, phát triển kinh doanh hay không?

Tiếp đó, đại biểu Đinh Ngọc Minh bày tỏ băn khoăn, hiện nay khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai gửi đến Ban Dân nguyện của Quốc hội chiếm đến 70%, vậy sau khi sửa Luật lần này, Ban soạn thảo đánh giá có thể giảm được tình trạng khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai ở mức nào?

Đại biểu Đinh Ngọc Minh cho rằng, một số quy định hiện tại của dự thảo Luật có thể gây ra cách hiểu khác nhau, dẫn đến việc thực thi sẽ rất khác nhau và tăng nguy cơ khiếu kiện. Ví dụ như quy định về phân loại đất và quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Điều 10 của dự thảo Luật phân ra rất nhiều loại đất nhưng, Điều 117 chỉ có một số ít phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất…

"Thế nào là đảm bảo cuộc sống người dân bằng hoặc tốt hơn sau khi bồi thường thu hồi đất?"

Đó là câu hỏi mà đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng - đặt ra tại phiên góp ý sáng 7/4.

Đại biểu Cường bày tỏ đồng tình với quy định về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất như xem xét hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất để tạo điều kiện cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản có việc làm, có thu nhập, ổn định đời sống, sản xuất… 

Tuy nhiên, để chủ trương trên thực sự hiệu quả khi đi vào cuộc sống, hạn chế thấp nhất việc phát sinh những khó khăn, đại biểu đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể khác đảm bảo định lượng rõ hơn yếu tố "đảm bảo cuộc sống người dân bằng hoặc tốt hơn" sau khi bồi thường thu hồi đất.

Liệu việc sửa Luật Đất đai có giảm được tình trạng đầu cơ bất động sản? - Ảnh 2.

Đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng

Giải trình cuối phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà bày tỏ tâm đắc với các ý kiến của các đại biểu Quốc hội về điều tiết địa tô. Theo đó, về điều tiết địa tô, chính sách cần nghiên cứu làm rõ hơn về tỷ lệ bao nhiêu phần trăm thì cho người dân tại chỗ, bao nhiêu phần trăm để đưa vào ngân sách nhà nước để điều tiết cho những khu vực mà các dự án đầu tư công ích khác… liên quan nhiều đến các luật về ngân sách, luật thuế.

Về vấn đề thu hồi đất đai, đền bù đất đai, hỗ trợ tái định cư, tiếp thu các ý kiến đại biểu, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, Ban soạn thảo sẽ cố gắng để lượng hóa được nội dung người dân bị thu hồi đất gồm cả đất sản xuất, đất ở có điều kiện sống gồm cả điều kiện ở và điều kiện sản xuất, có sinh kế phải đáp ứng được ít nhất bằng trước đây. Ban soạn thảo quan niệm đời sống tốt hơn chính là đồng bộ hạ tầng về mặt giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế… chính là những điều kiện sống tốt hơn. Về chỗ ở có diện tích lớn hơn.

Dẫn chứng các mô hình triển khai bố trí tái định cư hiệu quả ở Phú Thọ, Tuyên Quang, Đồng Nai, Nghệ An, Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết cơ quan soạn thảo cố gắng nghiên cứu để đưa các mô hình này vào trong luật.

Nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là khi đưa ra kế hoạch về sử dụng đất cấp huyện phải đưa ra được kế hoạch về khu tái định cư hay trong quy hoạch về đô thị và dân cư phải xác định khu tái định cư nằm ở đâu.

Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định quan điểm là phải tạo các điều kiện tốt hơn cho người dân. Trong từng dự án phát triển nếu là dự án thương mại, nhà ở thì phải tạo điều kiện cho người dân có thể tiếp cận nhà. Các dự án thu hồi đất đều phải có dự án tái định cư được quy hoạch trước, được bố trí để xây dựng hạ tầng, được bố trí để người dân lựa chọn mô hình nhà cửa của mình, kèm theo đó có một bản kế hoạch về đền bù, hỗ trợ. Cùng với đó tính toán trong trường hợp có quỹ sử dụng cho những người không có điều kiện để sản xuất, sinh kế để có bảo trợ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn