Tổ chức thêm kỳ thi đánh giá năng lực
Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 sẽ diễn ra trong các ngày 6-7/8, dự kiến có khoảng hơn 26.000 thí sinh sẽ dự thi. Tuy nhiên, do ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng của dịch Covid-19, nhiều địa phương quyết định cho học sinh đặc cách tốt nghiệp. Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, dự kiến sẽ có khoảng 10.000 thí sinh đặc cách, chủ yếu ở các tỉnh phía Nam.
Điều đáng nói là ngoài những thí sinh xét tuyển bằng các phương thức khác theo chủ trương xét tuyển của từng trường ĐH (các giải thưởng, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế…), còn nhiều em chưa có căn cứ điểm để xét tuyển vào đại học.
Trước lo lắng này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định, sẽ có hai phương án xét tuyển cho thí sinh đặc cách tốt nghiệp THPT: điểm học bạ và kỳ thi đánh giá năng lực do 2 trường ĐH Quốc gia tổ chức (dự kiến trong tháng 9 tới). Ngoài ra, các phương thức xét tuyển khác nhau do các trường chủ động lên phương án, quyết định và chịu trách nhiệm giải trình.
"Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với hai đại học quốc gia và các địa phương tính toán, xác định thời gian, địa điểm thi đánh giá năng lực cho nhóm thí sinh đặc cách. Hai trường sẽ công bố thông tin để thí sinh đăng ký dự thi, kèm theo đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các cơ sở đào tạo có sử dụng kết quả kỳ thi này", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay.
Ông cũng lưu ý thêm với các trường ĐH, nếu các trường sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực thì cần chủ động liên hệ và phối hợp với hai đại học quốc gia trong việc tổ chức cho thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển và tổ chức xét tuyển.
Về chỉ tiêu tuyển sinh, để đảm bảo cơ hội công bằng cho các thí sinh, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở GDĐH phải xác định các vùng tuyển chủ yếu của mình, từ đó, để dành lại số chỉ tiêu đã xác định trong năm 2021, cho từng ngành, từng chương trình đào tạo.
Số chỉ tiêu để lại dự kiến tối thiểu phải tương đương với tỷ lệ thí sinh đặc cách trên tổng số thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH hợp với đặc điểm ngành đào tạo và yêu cầu của cơ sở đào tạo.
Sau đợt 2 thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT sẽ công khai những thông tin về số thí sinh ở các địa phương, các vùng, làm căn cứ cho các trường tính toán, để lại chỉ tiêu phù hợp.
Đối với những ngành có nhu cầu lớn, điểm chuẩn cao, Vụ GDĐH tham mưu lãnh đạo Bộ cho phép các trường có thể tuyển đủ chỉ tiêu đã xác định. Sau khi đã tuyển đủ, các trường được bổ sung chỉ tiêu cho những ngành này, tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ thí sinh đặc cách trên tổng số sinh viên có nguyện vọng xét tuyển ĐH thuộc khu vực xét tuyển chủ yếu của trường đã xác định.
Đề xuất này nhằm đảm bảo công bằng, không làm mất đi cơ hội của thí sinh đã dự thi tốt nghiệp THPT và tham gia xét tuyển. Đồng thời, tạo điều kiện cho thí sinh đặc cách tham gia xét tuyển.
Riêng đối với các cơ sở thuộc khối an ninh, quốc phòng, theo Nghị định 99, việc xác định chỉ tiêu vừa đáp ứng quy định của Bộ GDĐT vừa tuân thủ quy định riêng của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Dự kiến, hai Bộ này sẽ trực tiếp xác định chỉ tiêu và thông báo cho các trường trong khối an ninh, quốc phòng.
Khối năng khiếu xét tuyển như thế nào?
Bài toán rất khó cho những trường tổ chức tuyển sinh bằng các môn thi năng khiếu do đặc thù ngành học (như báo chí, mỹ thuật, âm nhạc…). Được biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số trường đại học tại Hà Nội quyết định dừng hoặc lùi lịch tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng.
Với khối báo chí, trao đổi với phóng viên ngày 4/8, PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang – Phó Giám đốc Học viện Báo chí và tuyên truyền cho biết, ngay trong chiều 4/8, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt phương án tuyển sinh thay thế cho phần thi năng khiếu ngành báo chí. Theo đó, trường sử dụng Điểm xét ngành Báo chí thay thế điểm thi Năng khiếu báo chí, Năng khiếu Ảnh báo chí, Năng khiếu quay phím truyền hinh như sau:
- Điểm xét ngành Báo chí được tính bằng điểm trung bình cộng tất cả các môn thi tốt nghiệp THPT. Tất cả các môn thi tính hệ số 1.
- Điểm xét ngành Báo chí được tính hệ số 1 để xét bằng phương thức học bạ hoặc xét kết quả thi tốt nghiệp THPT
- Đối với thí sinh học hệ Giáo dục thường xuyên, Điểm xét ngành Báo chí được tính bằng điểm trung bình cộng tất cả các môn thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT.
- Trường hợp thí sinh tự do xét tuyển bằng học bạ THPT (không tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021) được sử dụng kết quả thi của năm thi tốt nghiệp để tính Điểm xét ngành Báo chí.
- Trường hợp thí sinh tự do chỉ dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 một số môn để xét tuyển đại học, thí sinh được sừ dụng điểm thi tốt nghiệp THPT các môn còn thiếu của năm tốt nghiệp để tính Điểm xét ngành Báo chí.
Liên quan đến các thí sinh diện đặc cách tốt nghiệp, PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang cho hay, số lượng thí sinh được xét công nhận tốt nghiệp THPT ở đợt 2 còn lại rất ít và nguyện vọng của các em sẽ rải đều khắp các trường đại học trên cả nước. Từ đó, dễ dàng dự đoán số lượng hồ sơ của thí sinh thuộc nhóm này tại các trường Đại học sẽ không đáng kể.
"Hiện chúng tôi chưa biết chính xác bao nhiêu em học sinh được đặc cách tốt nghiệp THPT đợt 2 cũng như số lượng hồ sơ ứng tuyển vào Học viện nên nhà trường chưa đề ra chỉ tiêu cụ thể cho các em. Vì nếu đưa ra chỉ tiêu cho nhóm thí sinh này sẽ làm giảm cơ hội của các thí sinh xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Để đảm bảo công bằng, nhà trường sẽ bám sát quy định của Bộ GD&ĐT và căn cứ vào số lượng thực tế, hồ sơ của thí sinh để xem xét từng trường hợp cụ thể, đánh giá em học sinh đấy có đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng đầu vào của Học viện hay không " – PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang khẳng định.
Đối với khối thi năng khiếu, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cũng đề nghị các đơn vị gửi thông tin, Bộ GD&ĐT sẽ tổng hợp số liệu và làm việc với các trường để có giải pháp thoả đáng, phù hợp thực tiễn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn