Lo con đuối nước, lây bệnh khi học bơi

16:03 | 23/06/2016;
Nhiễm bệnh, đuối nước là nỗi lo kép của nhiều gia đình khi cho con em đi học bơi vào mùa hè tại các cơ sở, trung tâm dạy bơi.
Sáng 21/6, bé Nguyễn Anh Đức (10 tuổi, trú huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) đến học bơi tại bể bơi trong khuôn viên trường Cao đẳng nghề Công nghệ Hà Tĩnh (đóng tại xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh). Giờ tan học, mẹ của bé Đức đến đón nhưng không thấy con. Sốt ruột đi tìm xung quanh, người mẹ thấy thi thể con trai ở bể bơi. 

Sự việc đau lòng khiến nhiều gia đình có con đang theo học bơi lo lắng. Chị Nguyễn Thanh Thúy, ở phố Kim Mã, Hà Nội, kể: Hè năm trước bé nhà chị hơn 7 tuổi, đi học bơi tại một cơ sở dạy bơi gần nhà. Bể bơi có chỗ sâu, chỗ nông. Lớp học không quá đông. Thầy giáo cho 2 học sinh, trong đó có con chị bơi cùng nhau rồi quay vào phía trong. Con bơi hết 1 lượt theo bạn, rồi vòng lại bơi tiếp. Tuy nhiên, do sức đuối, bơi một đoạn bé chìm. Lúc đó, thầy giáo chưa quay ra, chị thấy con chới với hốt hoảng gọi cứu hộ, đồng thời lao xuống bể cứu con. 

“May hôm đó mình ngồi lại xem con học, nên con được cứu kịp thời, nếu không thì chưa biết chuyện gì xảy ra. Sau sự cố năm ngoái, mình cho bé bỏ học giữa chừng. Năm nay, bé học bơi lại nhưng buổi nào mình cũng đi theo chờ con học xong đón về. Trong lúc con học, mình theo dõi con, không dùng điện thoại bởi nhiều người “cắm” mặt vào điện thoại không để ý con được”, chị Thúy cho biết.
day_con_hoc_boi.jpg
Người lớn cần giám sát chặt khi bé học bơi
TS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực, BV Đại học Y Hà Nội cho biết, trẻ em bơi hoặc tập bơi mà không có người lớn giám sát, nếu gặp nước lạnh làm hạ thân nhiệt dễ dẫn đến nhanh kiệt sức và rối loạn nhịp tim, có thể nguy hiểm tính mạng.

Theo TS Hoàng Bùi Hải, khi đưa trẻ đi học bơi, cha mẹ cần theo dõi sát trẻ. Dù có thầy dạy nhưng do nhiều học sinh, đôi khi không thể theo dõi sát hết các trẻ được. Các bé học bơi, chưa biết bơi hoặc vừa biết nhưng chưa thạo dễ đuổi sức, đuối nước.

Ngoài việc theo dõi sát, cha mẹ cần hướng dẫn bé các kỹ năng đảm bảo an toàn như khởi động trước khi xuống nước, tuân thủ giờ học và khu vực hoạt động mà người dạy bơi đưa ra.

Bệnh tật bủa vây

TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên Giám đốc BV Tai Mũi Họng TƯ cho biết, mùa hè số trẻ viêm tai giữa có xu hướng gia tăng, trong đó có nhiều trẻ tiếp xúc với nước bể bơi không đảm bảo vệ sinh. Thông thường, nước vào tai có thể tự chảy ra ngoài, nhưng đôi khi bị đọng lại khiến tai ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát triển, dẫn đến viêm.
boi.jpg
 Bê bơi quá tải mất vệ sinh lại không an toàn  
Với trẻ nhỏ, viêm nhiễm ống tai thường bắt đầu bằng tình trạng ngứa, sau đó là đau tức ở tai và sưng tấy. Triệu chứng đau tăng nhiều hơn khi trẻ nhai hoặc khi bị kéo tai. Nặng hơn, trẻ có thể thấy đau nhói, chảy mủ, giảm khả năng nghe. Bệnh không khó chữa nhưng nếu không được điều trị kịp thời, dễ dẫn đến viêm tai giữa mãn tính, giảm thính lực.

Các bệnh ngoài da như viêm da do nhiễm khuẩn, do nấm… trẻ cũng có nguy cơ mắc phải. Để giảm nguy cơ nhiễm bệnh, các bác sĩ có lời khuyên, nên chọn những điểm bơi đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra, sau khi bơi nên hướng dẫn trẻ nghiêng đầu, kéo vành tai ra sau và lên cao rồi nhỏ các dung dịch sát khuẩn nhẹ (như Betadin 10%, nước muối 0,9%). Sau đó lại nghiêng đầu và kéo vành tai để cho cả thuốc và nước chảy ra ngoài. Đặc biệt, không dùng tăm bông để ngoáy sâu vào trong tai. Sau khi bơi, cha mẹ cần tắm tráng bằng xà phòng hoặc sữa tắm cho bé.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn