Lo khan vaccine phòng dại, dân Sài Gòn đổ xô đi tiêm phòng

10:37 | 11/04/2018;
Sau thông tin khan hiếm vaccine phòng dại, nhiều người dân TPHCM đã đổ xô đi tiêm phòng dại khiến nhu cầu đột ngột tăng cao.

Trong khi đó, chiều 10/4, một số đơn vị tiêm chủng trên địa bàn TPHCM cho biết, vaccine phòng dại đã được cung ứng trở lại nhưng số lượng vẫn còn hạn chế. 

Ghi nhận thực tế tại Trung tâm tiêm chủng vaccine VNVC, những ngày qua có nhiều người dân TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… đổ dồn về đây để được tiêm phòng dại.
Nếu trước kia, trung bình mỗi ngày chỉ có 30-50 người đến tiêm vaccine phòng dại thì những ngày qua con số đã tăng lên 70-80 người/ngày. Mặc dù vậy, đại diện đơn vị này cho biết, số lượng vaccine Verorab (do Pháp sản xuất) hiện vẫn còn hạn chế, chủ yếu dành cho những khách hàng đã tiêm ngừa loại vaccine này trước đó hoặc những trường hợp đặc biệt khác. Bên cạnh đó, đơn vị này vẫn còn khoảng 1.000 liều vaccine phòng dại Abhayrab (do Ấn Độ sản xuất). 

tiem_suckhoenhivn_0709_eccj.jpg

Còn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện, cho biết, sau một thời gian "đứt" hàng, hiện Bệnh viện mới được giao thêm 400 liều vaccine phòng dại để chích ngừa cho bệnh nhân. Tuy nhiên, do nhu cầu ngày càng cao nên bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu hy vọng sẽ tiếp tục được cung ứng vaccine phòng dại trong những tuần kế tiếp. 

Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Ngọc, Phó Trưởng khoa Xét nghiệm-Sinh học-Lâm sàng, Viện Pasteur TPHCM, trong khuyến cáo về tiêm ngừa vaccine phòng bệnh dại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có nêu rõ, nếu không thể thực hiện được việc sử dụng cùng một loại vaccine phòng dại có thể hoán đổi bằng một vaccine khác. 

Bên cạnh đó, theo công văn mới nhất vào ngày 6/4/2018 của Dự án Quốc gia về phòng, chống bệnh dại cũng chỉ rõ không khuyến khích chuyển đổi các loại vaccine trên cùng một đối tượng tiêm phòng. Tuy nhiên, trong trường hợp bất khả kháng, có thể chuyển đổi những vaccine có cùng bản chất giống nhau. Hiện nay, hai loại vaccine trên thị trường Việt Nam là Verorab và Abhayrab đều là vắcxin dựa trên công nghệ tế bào hiện đại nên có thể chuyển đổi lẫn nhau. 

“Như vậy, trong trường hợp đã tiêm ngừa Verorab nhưng không còn vaccine để hoàn thành lịch tiêm thì các mũi tiêm sau có thể chuyển sang Abhayrab nhưng không được thay đổi đường tiêm và ngược lại,” bác sĩ Nguyễn Minh Ngọc cho hay.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn