Lơ là với thủy đậu, dễ viêm não, mang sẹo cả đời

07:00 | 09/02/2017;
Bệnh thủy đậu có thể gây nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm não, nhiễm trùng xương, khớp... nếu không được phát hiện, chữa trị đúng và kịp thời.
TS Trần Như Dương, Viện phó Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, không ít trẻ hơn 1 tuổi bị thủy đậu nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng da, các vết phỏng nước xuất hiện khắp người, trong đó tập trung nhiều nhất ở đầu, chân và tay. Đặc biệt, có bé bị sốt cao, bội nhiễm, một bên mắt viêm sưng tấy không mở được. 
Theo TS Dương, thủy đậu xảy ra nhiều nhất vào mùa đông xuân, từ cuối năm dương lịch cho đến tháng 4 hằng năm. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ 5-9 tuổi. Tuy nhiên, trẻ dưới 5 tuổi nếu mắc thủy đậu, dễ bị biến chứng nặng.
Dấu hiệu mắc thủy đậu dễ nhận biết nhất là sốt cao, đau nhức, sau đó xuất hiện mụn nước trên da, trong vòng 24-48 giờ có thể nổi toàn thân. Trường hợp người bệnh có sức đề kháng tốt, mụn nước thường nổi ít hơn. Trong trường hợp thể tạng không tốt, chăm sóc không đúng, số lượng mụn nước có thể gia tăng, dễ nhiễm trùng nốt đậu, để lại sẹo cả đời, mất thẩm mỹ. 
t.jpg
Tiêm vaccine là một trong những phòng bệnh thủy đậu hiệu quả
TS Trần Như Dương cho biết thêm, bệnh thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng cũng có thể gây ra biến chứng từ nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước đến nhiễm trùng huyết, viêm não... Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sảy thai; trường hợp mới sinh ra đã mắc thủy đậu từ mẹ, trẻ có thể bị dị tật bẩm sinh hoặc bệnh diễn tiến nặng dẫn đến tử vong.
 
8 cách chăm sóc người mắc bệnh thủy đậu
BS Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai, cho biết, bệnh thủy đậu rất dễ lây lan. Hầu hết trường hợp bệnh thủy đậu chỉ cần điều trị tại nhà. Trong trường hợp trẻ điều trị tại nhà, có thể chăm sóc bằng cách:
- Cắt móng tay, đi tất hoặc găng tay cho người bệnh để hạn chế gãi, giữ cho da không bị trầy xước nhằm tránh nhiễm trùng thứ phát cũng như tránh không để lại sẹo.
- Để giảm ngứa, cho một ít bột yến mạch hoặc bột nở vào nước tắm. Sử dụng khăn tắm ẩm và thoáng mát lau trên da để làm da dễ khô.
- Thoa kem dưỡng da calamin (calamine lotion) lên các tổn thương để giảm ngứa
- Thay tã cho trẻ thường xuyên để các mụn nước ở vùng mông, bẹn khô nhanh và đóng vẩy.
- Hòa tan 1/2 thìa cà phê muối trong một cốc nước ấm dùng để súc miệng để giảm đau miệng, hạn chế viêm nhiễm. Ở trẻ lớn hơn, sử dụng thuốc ngậm hoặc thuốc xịt Chloraseptic chứa chất gây mê nhẹ theo chỉ định của bác sĩ.
- Hạ sốt, không sử dụng aspirin cho trẻ mắc bệnh thủy đậu.
- Giữ các tổn thương sạch bằng việc lau rửa hằng ngày.
- Sử dụng các loại dung dịch thuốc sát khuẩn nhẹ (xanh methylen) chấm lên các tổn thương thủy đậu, đặc biệt các tổn thương thủy đậu vỡ, đang tiết dịch để làm khô tổn thương và dự phòng bội nhiễm.
Trước đó, như PNVN đưa tin, trong gần 1 tháng qua, BV E Trung ương tiếp nhận và điều trị 20 ca mắc thủy đậu, trong đó có trường hợp cả 2 mẹ con mắc bệnh. 
Tất cả người chưa bị mắc thủy đậu hoặc chưa được tiêm vaccine đều có thể mắc bệnh này. Vì thế, mọi người nên chủ động phòng bệnh thủy đậu bằng cách tránh tiếp xúc với người bị bệnh và tiêm vaccine phòng bệnh này. Để phòng lây lan bệnh thủy đậu trong cộng đồng, người lớn mắc bệnh phải nghỉ làm tránh tiếp xúc với người khác, trẻ nhỏ mắc bệnh phải nghỉ học từ 7 đến 10 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh cho đến khi các nốt bọng nước khô vảy hoàn toàn; sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng như khăn mặt, ly, chén, muỗng, đũa; vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý, tăng cường vệ sinh cá nhân; vệ sinh phòng ở của người bệnh, đồ vật nhiễm mầm bệnh hàng ngày bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn