Giáo viên cần phải được trao thêm nhiều quyền hơn nữa trong việc chọn cách nhận xét học sinh - Ảnh minh họa internet. |
Theo chị Nguyễn Thị Hương, phụ huynh học sinh (HS) ở Q.5, TPHCM cho rằng, dù thay đổi Thông tư ra sao, Bộ GD&ĐT vẫn nên giữ lại tư tưởng “bỏ chấm điểm HS tiểu học”. “Tôi thấy, 2 năm qua, việc bỏ chấm điểm đã làm giảm đáng kể áp lực học lên HS tiểu học. Con gái tôi không còn bị áp lực phải đạt điểm số cao hay bị so sánh với các HS khác trong lớp”.
Bà Phạm Mỹ Hạnh, nguyên hiệu trưởng trường tiểu học Lương Định Của, Q.1, TPHCM cho rằng, không chấm điểm HS tiểu học là đúng. Sửa đổi Thông tư 30 là sửa những bất cập của quá trình đánh giá HS, chứ không phải trở lại cách “chấm điểm”. Giáo viên cần phải được trao thêm nhiều quyền hơn nữa trong việc chọn cách nhận xét HS. Chúng ta không nên cứng nhắc, máy móc cho rằng, giáo viên phải nhận xét hàng ngày với từng HS. “Theo tôi, giáo viên có thể nhận xét HS theo từng nhóm, theo tuần, hoặc là hôm nay HS nào có vấn đề cần nhận xét, lưu ý thì giáo viên mới ghi lại”.
Chị Phan Hà An, phụ huynh HS trường tiểu học Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội kể: Mới đây, chị chủ động tìm gặp giáo viên xin dạy thêm cho con thì cô từ chối, nói rằng HS tiểu học đã học 2 buổi/ngày ở trường thì không cần học thêm nữa. Thực tế chất lượng HS của trường cũng cho thấy, HS vẫn học tốt dù cô không dạy thêm. Liên kết sự việc này với quy định chấm điểm HS tiểu học, phụ huynh này cho rằng, quan trọng là thay đổi tư duy. Nếu giáo viên thấy cần thay đổi thì quy định đó tự khắc sẽ được thực thi hiệu quả.
“Những lần triển khai trước, tôi thấy Bộ GD&ĐT đã quá vội vàng triển khai Thông tư 30 mà chưa có sự chuẩn bị kỹ càng như tuyên truyền, tập huấn cho giáo viên hiểu và thực hiện đúng. Vì thế, ngay cả giáo viên cũng coi Thông tư như gánh nặng”. Vì thế, chị Hà An mong muốn, trong năm học này, Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn chi tiết để khi thực hiện không còn cảnh giáo viên kêu than hoặc nhận xét chung chung cho… xong.
Thông tư sửa đổi cũng sẽ hướng tới việc cụ thể hóa việc khen thưởng cuối năm HS, khen thưởng đột xuất - do hiệu trưởng quyết định và đề nghị cấp trên khen HS có thành tích đặc biệt - Ảnh minh họa internet. |
Theo ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT: Tới đây, sau khi Thông tư 30 được sửa đổi, giáo viên sẽ không còn phải nhận xét quá tải. Nhiều nội dung, giáo viên chỉ cần ghi kết quả đánh giá HS vào bảng tổng hợp, theo các mức đạt A, B, C (có tiêu chí cụ thể). Bảng tổng hợp đánh giá này chỉ cập nhật vào cuối học kỳ, cuối năm học.
Ngoài ra, Thông tư sửa đổi cũng sẽ hướng tới việc cụ thể hóa việc khen thưởng cuối năm HS, khen thưởng đột xuất - do hiệu trưởng quyết định và đề nghị cấp trên khen HS có thành tích đặc biệt. Việc khen thưởng cuối năm có ba mức: Khen thưởng đối với HS hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập rèn luyện (đạt mức A đánh giá thường xuyên, và bài kiểm tra định kỳ đạt 9 trở lên); khen thưởng đối với HS hoàn thành tốt nội dung học tập rèn luyện (có ít nhất 50% các môn đạt A trong đánh giá thường xuyên; các năng lực phẩm chất đạt A, các môn còn lại đạt mức B, bài kiểm tra định kỳ đạt 7 điểm trở lên); khen HS có thành tích vượt trội, hoặc tiến bộ vượt bậc ở ít nhất một môn học, một năng lực, phẩm chất.
Dự kiến cụ thể hóa khen thưởng này đang nhận được nhiều ý kiến ủng hộ. Chị Nguyễn Thị Hương cho rằng, không phải cứ khen là học trò và gia đình các em thích. “Năm học trước, con tôi được cô giáo khen hoàn thành tốt môn Toán” mà tôi không hiểu con mình ở mức nào vì tất cả HS trong lớp cũng đều hoàn thành chương trình thì mới được lên lớp. Năm nay, tôi hy vọng giấy khen của cô không chỉ có giá trị khen mà còn là thước đo chính xác để lượng hóa được năng lực của học trò.
Tuy nhiên, vì chỉ còn chưa tới 10 ngày nữa là bắt đầu năm học mới 2016-2017 nên nhiều phụ huynh, giáo viên tỏ ý lo lắng việc lấy ý kiến có thể không được thực hiện “đến nơi đến chốn”; không khéo lại rơi vào cảnh “đẽo cày giữa đường”, lúc đó cảnh khổ vì Thông tư 30 chắc chắn sẽ lại tái diễn.