Chị Huyền cảm thấy rất sốt ruột, lo lắng khi con trai không có một người bạn thân nào. Không chỉ với những bạn ở lớp, ngay cả với những anh em họ, con cũng không chơi thân với ai. Lúc nào con cũng thích học bài, đọc sách một mình. Chị Huyền biết rõ, khi con thiếu năng lực giao tiếp xã hội, con sẽ gặp nhiều bất lợi trong cuộc sống sau này. Thế nên, đưa con đi học hay đi chơi ở đâu, đi chơi nhà ai, chị cũng hối thúc con phải ra chơi và kết thân với các bạn.
Theo các chuyên gia tâm lý, có những trường hợp bố mẹ cố tình thúc ép con thì con lại càng thu mình lại. Điều quan trọng là bố mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân nào khiến con khó kết bạn. Có thể là do trẻ quá coi mình là trung tâm, cũng có thể là do trẻ quá thân thiết với một bạn duy nhất, cũng có thể trẻ là tuýp thiếu tự tin và dễ dàng bị tổn thương. Bố mẹ nên phân tích nguyên nhân và hướng dẫn con cách để cải thiện quan hệ bạn bè.
Về cơ bản, sẽ luôn có những trẻ giỏi toán bên cạnh những trẻ không giỏi toán, có những trẻ giỏi thể thao bên cạnh những trẻ chơi thể thao kém. Tương tự như vậy, sẽ có những trẻ "quảng giao" bên cạnh những trẻ ít nói, nhút nhát. Nguyên tắc khi kết bạn là cần phải hiểu phần nào suy nghĩ của đối phương và đáp ứng mong muốn của người đó. Tuy nhiên, các bé thiếu kỹ năng xã hội sẽ không hiểu rõ điều này do bé không giỏi giao tiếp xã hội. Các bé lanh lợi sẽ dễ dàng biết được điều này mà không cần học. Cứ như vậy, bé không giỏi giao tiếp sẽ bị các bé khác phê phán, công kích, từ đó tâm lý ấm ức sẽ lớn dần lên.
Khi thấy con trong tình trạng như vậy, bố mẹ đừng quát mắng. Vì quát mắng không thể giải quyết được vấn đề, bởi trẻ không cố tình làm như vậy, chỉ là trẻ không biết phải làm thế nào mà thôi. Bố mẹ phải hướng dãn con một cách từ tốn, nhẹ nhàng.
Bố mẹ có thể bồi dưỡng năng lực giao tiếp cho trẻ bằng cách khích lệ trẻ tham gia các cuộc thi. Tham gia thi đấu là hoạt động tập thể trực tiếp tiếp xúc và cạnh tranh với người khác. Cho dù là các môn cờ hay các môn bóng, cho dù là thi chạy hay nhảy cao, nhảy xa…thì đều là những hoạt động cần có hai người trở lên mới có thể tiến hành. Điều quan trọng hơn là hoạt động thi đấu cần trí tuệ và sức mạnh, cũng cần cả lòng can đảm nữa. Lòng can đảm này chính là yếu tố phải có trong giao tiếp. Khích lệ trẻ thường xuyên tham gia các hoạt động thi đấu khác nhau sẽ giúp cải thiện thể chất, tăng thêm hứng thú và nâng cao năng lực giao tiếp của trẻ. Một khi trẻ thích thi đấu sẽ chủ động tìm kiếm đối thủ. Sự tìm kiếm này chính là giao tiếp, mà đối thủ phù hợp thường là bạn bè của trẻ.
Bên cạnh đó, bố mẹ nên tập cho trẻ chủ động, đây là một trong những cách để phát triển khả năng giao tiếp cho trẻ. Ngoài ra, bố mẹ thường xuyên cùng trẻ đi chơi. Trong khi đi du lịch, phải mua vé xe, làm thủ tục nghỉ tại khách sạn… nếu cha mẹ bảo trẻ làm những việc này thì trẻ có thể trực tiếp tiếp xúc với một số đối tượng mới, hiểu được nội dung giao tiếp mới. Kết thúc chuyến du lịch, trẻ sẽ được mở mang tầm mắt, có thêm nhiều kinh nghiệm, lại có thêm chủ đề nói chuyện trong các cuộc giao tiếp sau này.
Đặc biệt, bố mẹ có thể rèn năng lực nói chuyện của trẻ bằng việc thường xuyên ra một số câu hỏi biện luận mang tính chất mở và tranh luận với trẻ. Cha mẹ cũng có thể cố tình đưa ra một số quan điểm không chính xác hoặc phiến diện, để trẻ phản bác bằng lí lẽ hoặc cũng có thể chỉ ra các lỗi sai trong cách nói năng bình thường của trẻ... Những việc này sẽ giúp trẻ nhận biết và làm quen dần với các hoạt động giao tiếp. Ngoài ra, nên khuyến khích trẻ tham gia các cuộc thi hùng biện, tích cực phát biểu trong giờ học hoặc trong cuộc họp gia đình.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn