Lơ lửng bên miệng vực

10:26 | 02/10/2015;
“Trong khi tôi vẫn đang kiên trì điều trị cao huyết áp bằng thuốc thì nhận thấy cơ thể mỗi ngày một suy kiệt. Thế rồi bác sĩ kết luận tôi đã rơi vào tình trạng suy thận mãn”, chị Đỗ Thị Mộng Anh (45 tuổi), ngụ tại Q.Tân Bình (TPHCM), nhớ lại.

 Chị Mộng Anh những ngày điều trị trong viện (ảnh chụp tháng 7/2013)

Tôi biết chị Mộng Anh từ khi chị còn là Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Tân Phú, TPHCM. Dáng người đậm, giọng nói nhỏ nhẹ và đặc biệt là rất nhiệt tình trong công việc, đó là điều khiến tôi ấn tượng mạnh với chị.

Một thời gian sau, chị nghỉ sinh con rồi nghe đâu xin nghỉ hưu sớm. Thật tình cờ, tôi gặp lại Mộng Anh khi chị đang tiến hành lọc máu tại khoa Thận (Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, TPHCM). Chị gầy đi rất nhiều, da sạm và đôi môi bong tróc những vảy khô. “Giờ tôi đã khỏe ra nhiều rồi, hai năm trước, tôi nói không ra hơi, mệt tới mức chẳng muốn đụng đến thứ gì”, chị Mộng Anh gượng cười kể.

Vốn có tiền sử về bệnh cao huyết áp, chị biết đây là một bệnh khá phức tạp và có thể là nguyên nhân dẫn đến một số bệnh nguy hiểm, đặc biệt là suy thận. Chị Mộng Anh từng tới Bệnh viện Chợ Rẫy để khám và được tư vấn điều trị, cố gắng tuân thủ những quy tắc mà bác sĩ căn dặn và tránh xa tất cả những thói quen ăn uống không tốt cho sức khỏe. Mặc dù vậy, bệnh không giảm mà còn có dấu hiệu trở nặng. Rồi bác sĩ cho biết chị đã chuyển sang giai đoạn cao huyết áp mãn tính, phải dùng thuốc suốt đời. Đó cũng là thời điểm chị Mộng Anh chuẩn bị sinh con thứ 2.

Kéo chiếc dây truyền máu một cách cẩn thận và đặt bàn tay gồ ghề những đường gân lên bụng, chị Mộng Anh chậm rãi kể: “Sau khi sinh, tôi cảm thấy trong người rất mệt mỏi. Ai cũng nghĩ có thể tôi bị bệnh tim nên đưa tới bệnh viện khám. Song, qua một số xét nghiệm, bác sĩ kết luận tôi đã rơi vào tình trạng suy thận mãn tính, cần phải nhập viện điều trị gấp. Con gái được 7 tháng tuổi, tôi bắt đầu “hành trình” điều trị tại bệnh viện. 4 năm qua, nghĩ lại thấy căn bệnh này chẳng có triệu chứng gì rõ ràng để mình có thể nhận biết sớm. Khi cơ thể mệt mỏi tới mức không còn chút sức lực nào, vô bệnh viện thì đã ở giai đoạn quá nặng, chỉ có thể lọc máu hoặc ghép thận mới mong có cơ hội sống. Để có tiền lọc máu hàng tuần, gia đình tôi đã phải gồng mình với viện phí thì hy vọng gì tới chuyện ghép thận”.

Tốn kém vì phải lọc máu suốt đời

Kể về đứa con gái đã bước sang tuổi thứ 4 và đang theo học lớp Chồi tại trường mầm non gần nhà, chị Mộng Anh khoe: “Bé không được bú sữa mẹ từ khi sinh ra do tôi quá yếu, cũng không nhận được nhiều sự chăm sóc của mẹ, nhưng bé rất bụ bẫm và thông minh, mới 4 tuổi mà bé biết nhiều điều. Dù phải nhập viện điều trị nhưng tôi nghĩ mình vẫn may mắn vì chỉ phải vào bệnh viện 3 ngày mỗi tuần, mỗi ngày khoảng 3 tiếng rưỡi. Vì vậy, tôi vẫn có thể chăm sóc con, nhìn con lớn lên từng ngày và làm những công việc nội trợ”.

Khi nói về chi phí điều trị đối với bệnh suy thận mãn, chị Mộng Anh ngập ngừng: “Năm đầu tiên nhập viện, tôi gắng gượng đi làm, nhưng thấy sức khỏe không ổn nên đành xin nghỉ hưu sớm. Số tiền chế độ được chi trả, tôi đổ hết vào chữa bệnh, bây giờ mọi chi tiêu trong gia đình đều do một mình ông xã gánh. Cũng may là mình có bảo hiểm, chứ nếu không thì làm sao chịu nổi. Tiền lọc máu, tiền thuốc, tiền giường... mỗi tháng trung bình hết khoảng 5 triệu đồng. Đó là có Bảo hiểm y tế chi trả rồi, còn nếu không thì mỗi tháng mất mười mấy hai chục triệu là chuyện thường”.

Theo bác sĩ Cao Tấn Phước, Trưởng khoa Thận - Thận nhân tạo, Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương: “Điều trị bệnh lý suy thận mãn tùy thuộc vào từng giai đoạn. Từ giai đoạn 3 trở đi thì có thể điều trị bằng nội khoa, tìm nguyên nhân để điều trị và làm chậm sự tiến triển của suy thận mãn. Tuy nhiên, khi tới giai đoạn 5, có thể điều trị nội khoa bằng thuốc: Thuốc tạo máu, kìm hãm huyết áp, thuốc bảo vệ tim, giảm huyết áp, dung dịch đạm, dinh dưỡng… và điều trị thay thế thận bằng phương pháp lọc màng bụng, lọc máu chu kỳ hay ghép thận. Song, bệnh nhân sẽ phải lọc máu suốt đời, còn ghép thận thì cũng phải dùng thuốc chống thải ghép suốt đời”.


Bác sĩ Cao Tấn Phước, Trưởng khoa Thận - Thận nhân tạo, Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra suy thận mãn nhưng 2 nguyên nhân thường gặp nhất: đối với người lớn tuổi là do biến chứng từ đái tháo đường, còn đối với người trẻ, đa số là do viêm vi cầu thận, ngoài ra còn có tăng huyết áp, thận đa nang…

Triệu chứng tùy theo giai đoạn, bệnh suy thận mãn có 5 giai đoạn, trong khi đó, phần lớn bệnh phát triển tới giai đoạn 3 trở lên mới có những biểu hiện lâm sàng như tăng huyết áp, thiếu máu, mệt mỏi, chán ăn, có trường hợp tiểu đêm nhiều... Nếu không để ý, bệnh nhân sẽ không đi khám bệnh và bỏ qua các triệu chứng này.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn