Lo ngại lao gia tăng vì nhiều bệnh nhân chưa có bảo hiểm y tế

22:31 | 29/06/2018;
Mỗi năm nước ta có khoảng 126.000 bệnh nhân lao được phát hiện. Trong đó ước tính có khoảng 20.000 người chưa có bảo hiểm y tế nên những trường hợp này gặp không ít khó khăn về kinh phí khi điều trị. Các chuyên gia lo ngại, đây là một trong những nguyên nhân dễ khiến bệnh lao gia tăng.

Mặc dù thuốc chống lao được cấp miễn phí nhưng các chi phí liên quan, người bệnh mất sức lao động… khi mắc và điều trị căn bệnh này, khiến bệnh nhân lao gặp không ít khó khăn trong điều trị, kể cả khi có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), mà phải đồng chi trả một phần viện phí.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia, tổng chi phí điều trị cho 1 bệnh lao khoảng 24 triệu đồng; còn lao đa kháng thuốc, có thể lên đến gần 100 triệu đồng. Thực tế này cho thấy, người mắc lao không có BHYT, sẽ gặp khó khăn nhiều hơn trong điều trị. Bởi điều trị bệnh lao phải mất một thời gian dài. 

Cũng theo TS Nhung, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cắt giảm được 50% số mắc mới và số chết do lao so với năm 2000, nhưng vẫn còn là nước xếp thứ 16/30 nước có số bệnh nhân lao cao nhất thế giới và xếp thứ 13/30 nước có bệnh nhân lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Năm 2016, nước ta vẫn còn 13.000 người mắc lao tử vong. 

Theo Chương trình Chống lao quốc gia, hiện cả nước còn khoảng 30.000 người mắc lao chưa được phát hiện. Cùng với nhiều người mắc lao chưa có BHYT nên sẽ gặp khó khăn khi điều trị thì đây là những nguyên nhân khiến lao có thể gia tăng.

Một trong những trường hợp này là em Trần Ngọc Diệu, sinh năm 2007, xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Bố mẹ em đều làm ruộng, mẹ em lại thường xuyên đau ốm nên kinh tế gia đình khó khăn. Diệu mắc lao màng não và chưa có thể BHYT nên gia đình cũng gặp khó về kinh phí để chạy chữa cho em.

img_9330.JPG
TS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc BV Phổi Trung ương, trao bản tượng trưng hỗ trợ thẻ BHYT cho bệnh nhân Trần Ngọc Diệu

 

Khi được đưa xuống điều trị tại BV Phổi Trung ương, biết được hoàn cảnh gia đình em, Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB), đã mua thẻ BHYT năm 2018 cho bệnh nhi Diệu.

Cũng như Diệu, em Vũ Văn Nghĩa, 14 tuổi, ở Nam Định, bị lao màng phổi và chuẩn bị phải phẫu thuật. Hiện 3 mẹ con Nghĩa ở trọ trong một căn phòng chật hẹp tại phường Phúc Xá, Q. Ba Đình, TP Hà Nội. Bố Nghĩa mất sớm, mẹ em lên Hà Nội bán nước trà nuôi 2 anh em. Nghĩa là con thứ 2 trong gia đình, do mẹ không có đủ tiền nuôi con ăn học nên em phải bỏ học từ tháng 6/2017 đến nay.

Nghĩa không có thẻ BHYT, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nhiều lúc mẹ em định buông xuôi, không điều trị cho con. May mắn là khi Quỹ PASTB biết được hoàn cảnh gia đình Nghĩa, đã tặng em thẻ BHYT năm 2018.

Ngoài ra, Quỹ còn hỗ trợ toàn bộ chi phí nằm viện nội trú tại BV Phổi Trung ương cho bệnh nhi Diệu và Nghĩa trong thời gian chờ sử dụng thẻ BHYT theo quy định; hỗ trợ chế độ dinh dưỡng cho 2 bệnh nhân theo mức 75.000 đồng/1 ngày/3 bữa ăn tại căng tin của bệnh viện.

img_9356.JPG
Được hỗ trợ thẻ BHYT, bệnh nhân Nghĩa và gia đình sẽ bớt khó khăn trong điều trị lao

 

Nghĩa và Diệu là 2 trong số ít bệnh nhân lao chưa có BHYT được hỗ trợ thẻ. Trong số khoảng 20.000 người mắc lao chưa có BHYT, chi phí để mua thẻ cho những trường hợp này khoảng 14 tỷ đồng. Theo TS Nguyễn Viết Nhung, Chương trình Chống lao quốc gia, Quỹ PASTB vừa được thành lập, đang thực hiện các biện pháp để hỗ trợ bệnh nhân lao có thêm điều kiện chữa bệnh.

Từ khi được thành lập đến nay, quỹ đã huy động được hơn 7 tỷ đồng và đang có triển vọng được bổ sung từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm trên cả nước, nhất là kể từ khi Chương trình tổ chức kêu gọi mọi người nhắn tin ủng hộ bệnh nhân lao trong gần 1 tháng vừa qua.

“Quỹ sẽ phấn đấu mua BHYT cho tất cả bệnh nhân lao chưa có thẻ. Khi mắc bệnh lao mà bệnh nhân chưa có thẻ bảo hiểm, kể cả người không nghèo, đều được Quỹ tặng thẻ BHYT. Quỹ cũng hỗ trợ mua BHYT cho bệnh nhân đến khi khỏi bệnh lao thì thôi”, TS Nguyễn Viết Nhung cho biết.

Hiện người mắc lao còn mặc cảm hoặc ngại điều trị. Tuy nhiên, nếu được phát hiện mắc lao thì đồng nghĩa với bệnh nhân được cứu sống, vì bệnh đã có thuốc điều trị và được hỗ trợ chữa bệnh. Do đó, người dân không nên ngại chữa trị hoặc mặc cảm khi mắc lao, mà cần đến cơ sở để được điều trị kịp thời, tránh lây bệnh cho gia đình và cộng đồng.

Ngày 16/3/2018, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký, ban hành Quyết định số 380/QĐ-BNV về việc thành lập “Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao - PASTB”. Đây là là một quỹ xã hội, từ thiện, phi lợi nhuận, nhằm hỗ trợ chăm sóc, dự phòng, điều trị cho người bệnh lao, người bị ảnh hưởng bởi bệnh lao, có phạm vi hoạt động trên toàn quốc. Mục tiêu cơ bản của Quỹ là hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho những người bệnh lao chưa có thẻ, giúp kinh phí đồng chi trả cho tất cả những người bệnh lao trong suốt thời gian điều trị và hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn để tất cả mọi người dân đều được phát hiện sớm và chữa khỏi bệnh lao, không lây lan ra cộng đồng và tiến tới chấm dứt bệnh lao.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn