Mới đây, ngày 15/4, UBND thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính sau khi có kết quả kiểm tra xác định Trường liên cấp quốc tế IQ School Ninh Bình đã đào tạo bậc THCS khi chưa được cấp phép.
Cùng với quyết định xử phạt hành chính 30 triệu đồng, UBND thành phố Ninh Bình yêu cầu Trường liên cấp quốc tế IQ School Ninh Bình chuyển học sinh sang cơ sở giáo dục khác đủ điều kiện được phép hoạt động giáo dục, hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được.
Để đảm bảo quyền lợi của học sinh, UBND thành phố Ninh Bình cũng yêu cầu Phòng GD-ĐT thành phố chỉ đạo các trường THCS công lập trên địa bàn tạo điều kiện để tiếp nhận số học sinh lớp 6 đang học tại Trường liên cấp quốc tế IQ School Ninh Bình; phân công giáo viên giảng dạy đảm bảo chương trình, kế hoạch và chất lượng giáo dục.
Được biết, từ đầu năm học 2023-2024, dù chưa hoàn thành cơ sở hạ tầng, chưa được cấp phép đào tạo bậc THCS nhưng Trường liên cấp quốc tế IQ School Ninh Bình đã tuyển sinh và đào tạo 1 lớp 6, với 34 học sinh. Sự việc chỉ được cơ quan chức năng phát hiện khi năm học đã gần kết thúc.
Trước đó, vụ việc diễn ra tại trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) ở TPHCM cũng khiến nhiều phụ huynh bức xúc khi gần 1.200 học sinh buộc phải nghỉ học vì trường này nợ lương giáo viên, khiến giáo viên đình công.
Sở GD-ĐT TPHCM đã phải họp các bên và kêu gọi phụ huynh hỗ trợ đóng góp kinh phí để duy trì hoạt động của nhà trường đến hết năm học thông qua tài khoản ngân hàng đồng sở hữu 3 bên giữa Sở GD-ĐT, nhà trường, phụ huynh.
Mặc dù phụ huynh đã đóng góp hơn 30 tỉ đồng nhưng khoản kinh phí này cũng không đủ để nhà trường trả nợ và duy trì việc học của toàn bộ học sinh đến hết năm học. Sở GD-ĐT TPHCM đã phải yêu cầu nhà trường xây dựng kế hoạch dạy trực tuyến và tiếp tục gửi thư ngỏ đến toàn bộ phụ huynh kêu gọi chung tay đồng hành, đồng thuận và đóng góp hỗ trợ kinh phí duy trì hoạt động giáo dục của nhà trường, để việc học tập của học sinh trong những tháng cuối năm học 2023-2024 không bị gián đoạn.
Có thể thấy, khó khăn tài chính của nhà trường đã ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của gần 1.200 học sinh, nhất là đã vào cuối năm học khi các lớp cuối cấp sẽ phải tham gia các kỳ thi chuyển cấp.
Mới đây, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương đã bày tỏ lo ngại về tình trạng trường tư, trường có yếu tố nước ngoài tiềm ẩn những yếu tố rủi ro, ảnh hưởng đến quyền lợi học sinh.
Nhắc lại vụ việc xảy ra ở Trường quốc tế Mỹ Việt Nam tại TPHCM, ông Trần Thế Cương nêu rõ, trường nào ở Hà Nội trót có cách hoạt động huy động tài chính như vậy thì phải chấm dứt ngay bởi Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra và giải quyết đúng quy định pháp luật.
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cũng chia sẻ về việc một trường tư có tiếng ở Hà Nội để xảy ra tình trạng "ký gửi" học sinh, cho học sinh học, có kiểm tra, đánh giá, có điểm nhưng không có mã định danh để thi tốt nghiệp THPT. Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội đã yêu cầu trường này cần chấm dứt việc trên, nếu còn xảy ra thì sẽ kiên quyết không giao chỉ tiêu, thậm chí có thể xem xét, yêu cầu rút giấy phép hoạt động.
Ông Trần Thế Cương còn đề cập đến một "hiện tượng lạ" trong giáo dục. Đó là, một học sinh đi học trường tư thì phải đóng phí nhưng nếu học sinh đó mời được 3- 4 học sinh khác thì được miễn phí. Nếu mời được 7- 8 học sinh vào trường thì vừa được miễn phí vừa được "hoa hồng".
"Đây có phải là đa cấp trong giáo dục không?", vị Giám đốc đặt câu hỏi. Ông Trần Thế Cương cho biết, sắp tới, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ thành lập Phòng quản lý giáo dục tư thục và có yếu tố nước ngoài để tăng cường quản lý các trường tư thục, trường có yếu tố nước ngoài.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn