Tại Phiên họp toàn thể lần thứ hai chiều 27/9, Ủy ban Xã hội thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội; quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020.
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp trong năm 2020, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, kết quả phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tiếp tục giữ được đà tăng, đặc biệt phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
Tuy nhiên,số người tham gia BHXH bắt buộc, BHTN giảm, số tiền chậm đóng BHXH tiếp tục tăng so với năm 2019. Nguyên nhân là do số người hưởng BHXH một lần tiếp tục tăng, ảnh hưởng không nhỏ khả năng phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trong năm 2020. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh dẫn đến tình trạng chậm đóng, tạm dừng đóng BHXH tăng cao. Nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động trong việc tham gia BHXH vẫn còn hạn chế, đặc biệt là ở các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Thẩm tra nội dung này, theo ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, cho rằng: Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam và một số cơ quan có liên quan đã rất chủ động trong việc sửa đổi, ban hành các văn bản kịp thời vừa đáp ứng công tác quản lý điều hành, vừa để điều chỉnh, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn đối với các đối tượng thụ hưởng chế độ, tiếp cận chính sách BHXH, BHTN cũng như hỗ trợ cho người sử dụng lao động, người lao động, nhất là những đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của đại dịch Covid-19.Các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động đã được ban hành và bảo đảm việc triển khai đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định của các Luật…
Ủy ban Xã hội cho rằng, cần đánh giá tổng quan lại kết quả, nhất là đối với việc thanh tra tại các doanh nghiệp, đơn vị để từ đó xác định cụ thể việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động.
Cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH năm 2020 đạt 95,71% chỉ tiêu đề ra là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn. Tuy nhiên, cần phải nhìn vào thực chất, về tổng quan cho thấy việc phát triển lực lượng lao động tham gia BHXH còn thấp.
Các thành viên Ủy ban và các đại biểu tham dự chỉ ra rằng, số nợ đóng, chậm đóng dự báo có thể tiếp tục có xu hướng gia tăng trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Do đó cần tính toán về hệ quả pháp lý đối với chính sách tạm dừng đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, khi triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ với các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong trường hợp doanh nghiệp không có khả năng đóng bù sau khi hết thời hạn được tạm dừng đóng.
Cạnh đó, mặc dù ngành BHXH thời gian qua đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ Ốm đau, thai sản nhưng tình trạng này vẫn tồn tại, nhất là việc lập khống, làm giả hồ sơ để hưởng chế độ. Quỹ Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp vẫn chi chủ yếu vào một số chế độ nhất định; chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động chưa thực hiện được kể từ khi Luật Việc làm có hiệu lực thi hành.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn