Mùa hè đến, thời tiết nóng ẩm là điều kiện lý tưởng khiến ruồi, muỗi sinh trưởng và phát triển. Chắc chắn không ít người cảm thấy bực bội, khó chịu vì tiếng côn trùng vo ve xung quanh và còn lo lắng vì nguy cơ lây bệnh.
Bên cạnh một số biện pháp như phun thuốc, làm bẫy, mua vợt điện... thì trồng cây bắt côn trùng (còn được gọi là cây bắt mồi, cây bắt ruồi/muỗi) cũng là ý tưởng mới mẻ và sáng tạo cho mọi nhà, mọi người.
Cây bắt ruồi hay còn gọi là cây bẫy kẹp, tên tiếng Anh là Dionaea muscipula. Đây là một loài thực vật ăn thịt có nguồn gốc từ các vùng đất ngập nước cận nhiệt đới ở vùng ven biển phía Đông Hoa Kỳ, ở bang Bắc Carolina và Nam Carolina.
Loại cây này ngoài tác dụng bắt được một số loại côn trùng nhỏ như ruồi, muỗi, cuốn chiếu, sâu... thì còn rất hợp để làm cảnh. Hình dạng cây bắt mồi tương đối lạ, kích thước nhỏ có thể đặt ở cửa sổ, bàn làm việc, bàn ăn.
Về cách chăm sóc cây bắt mồi, mọi người cần lưu ý cần thường xuyên cung cấp nước. Bởi cây này rất dễ bị mất nước nên cần độ ẩm lớn để không bị héo khô.
Để trồng cây bắt ruồi, bạn nên chọn chậu có khả năng giữ nước, kích cỡ có thể tùy ý lựa chọn tùy theo kích thước của cây. Bên cạnh đó bạn nên trồng chúng trong loại đất trộn với cám dừa để cây phát triển tốt. Cây thích hợp sống trong các loại đất ít dinh dưỡng, đất chua, phèn và không sống được trong đất thịt hay đất pha tro trấu và các loại đất giàu dinh dưỡng.
Ngoài ra, ánh sáng cũng rất quan trọng trong quá trình chuyển hóa thành năng lượng để bắt côn trùng của cây bắt mồi. Các bạn có thể mang cây ra ánh sáng mặt trời từ 7-8 tiếng hoặc chiếu đèn trong khoảng 10-12 tiếng.
Cây bắt mồi hiện nay đang được nhiều người mê mẩn vì độc đáo lại có công dụng giảm bớt côn trùng trong nhà. Giá cả loại cây này không quá đắt, khoảng 80.000 - 200.000 đồng tùy kích thước.
Cây bắt mồi quả thật là một gợi ý khá thú vị cho các gia đình thử trồng trong mùa hè này!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn