Những củ ấu béo bùi, trắng muốt được bao bọc bởi lớp vỏ thô cứng, có hai đầu nhọn tựa như hai chiếc sừng trâu. Ấy là món ăn quý giúp "hồi sinh" năng lượng và bổ sung dinh dưỡng kịp thời cho những người dễ bị suy nhược.
Củ ấu, còn được gọi là ấu trụi, kỵ thực... thường mọc ở vùng nước đọng, đầm lầy và đã trở thành đặc sản của nhiều nơi. Chẳng hạn như vùng Đồng Tháp ưa trồng loại ấu sừng trâu ngọt bùi, thơm ngon. Củ ấu được trồng ở nhiều nơi, nhưng không phải nơi nào cũng có thổ nhưỡng và thời tiết phù hợp cho loại ấu hương vị đặc biệt. Bởi vì đôi khi, chị em nội trợ vẫn mua phải loại ấu bị sượng.
Những củ ấu già, màu đậm được thu hoạch quanh năm. Trước kia, củ ấu thường được thu vào vụ 4 tháng cuối năm, nhưng hiện tại nhiều nơi cũng đã trồng ấu làm kinh tế nên bạn có thể bắt gặp những rổ ấu đen được bày bán tại các chợ.
Ấu sừng trâu đã từng là tuổi thơ của biết bao người, nhét một nắm ấu luộc vào túi áo rồi thả trâu, thả bò ra đồng. Ngồi dưới gốc cây rợp bóng đổ đám ấu ra ăn cho tròn bữa... Cuộc sống dù hiện đại đến mấy thì củ ấu vẫn "gánh vác" trọng trách của mình - chứa đầy dinh dưỡng tốt lành cho cơ thể.
Mùa lạnh về, khi những cơn gió luồn qua khe cửa, uống một chén canh sườn củ ấu ấm nóng, hít hà mùi thơm lan tỏa trong không khí ấy thì còn gì tuyệt vời hơn nữa!
Củ ấu: 300g-400g
Sườn heo: 300g
Hạt khiếm thực: 50g
Gừng tươi, muối
Củ ấu tách vỏ lấy nhân bên trong hoặc luộc chín sơ để tách vỏ.
Sườn heo rửa sạch. Cho sườn vào nồi nước lạnh, thêm chút rượu nấu ăn, đun sôi trên lửa lớn trong khoảng 2 phút. Rửa sạch với nước lạnh, vớt ra để ráo.
Hạt khiếm thực và gừng rửa sạch. Gừng cạo vỏ, thái chỉ hoặc lát to.
Cho xương heo vào nồi, thêm nhân ấu, hạt khiếm thực, gừng tươi thái chỉ cùng với lượng nước vừa đủ. Đun sôi trên lửa lớn 5 phút, sau đó chuyển sang lửa nhỏ hầm trong khoảng 1 giờ. Nêm xíu muối cho vừa ăn.
Món canh sườn củ ấu đã hoàn thành, sẵn sàng giúp bạn ủ ấm dạ dày trong những ngày gió lạnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn