Khi xưa, những người nông dân nghèo không đủ gạo ăn thường đào củ khoai, củ mài để độn cùng bữa cơm. Những củ khoai vạc vì thế mà được người nghèo yêu thích bởi củ to lại dễ trồng, ăn ngon. Đến nay, khoai vạc được các chị, các mẹ sáng tạo nên nhiều món ăn ngon, nhờ thế mà nhiều người biết đến loại khoai này hơn, trở thành một nguyên liệu hấp dẫn lại tốt cho sức khỏe.
Khoai vạc chứa nhiều vitamin, khoáng chất cũng như chất chống oxi hóa. Tất cả khiến chúng trở thành một loại thực phẩm lành mạnh để bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày. Ngoài ra, khi nấu chín, khoai trở nên mềm hơn, ngọt và hấp dẫn.
Ở Việt Nam, khoai vạc còn có tên khác là khoai tím, khoai mỡ, củ mỡ… Loại củ này có nguồn gốc từ Đông Nam Á và thường bị nhầm lẫn với khoai môn. Là một mặt hàng chủ lực bản địa của Philippines, hiện khoai vạc đã được trồng và ưa chuộng trên toàn thế giới.
Khoai vạc tím có vỏ màu nâu xám và thịt màu tím, kết cấu trở nên mềm như khoai tây khi nấu chín. Chúng có vị ngọt, bùi, được dùng trong nhiều món ăn khác nhau từ ngọt đến mặn. dễ nấu nhất là món canh khoai mỡ nấu với thịt băm hoặc sườn non. Thông thường bạn sẽ thấy khoai vạc được đập dập chứ không cắt miếng, như vậy món canh sẽ có độ sệt. Tuy nhiên, nếu bạn cắt khoai thành miếng sẽ mang lại hình thức khác lạ và đẹp mắt cho món canh quen thuộc.
Khoai vạc cũng có thể là nguyên liệu nấu chè. Khoai khi nấu có vị béo béo, bùi bùi, ngậy ngậy và độ dẻo mềm thơm ngon, vì vậy khi kết hợp với cái thơm của nếp và nước cốt dừa, chè khoai vạc tạo nên một vị ngon khó tả. Thêm nữa, màu tím của khoai vạc tạo nên màu sắc hấp dẫn, đẹp mắt cho món ăn. Bạn cũng có thể thêm vào chè một ít ngô để bổ sung hương vị. Chè khoai vạc ăn nóng cũng ngon mà cho thêm vài viên đá vào cũng rất mát lành, lôi cuốn.
Bánh khoai vạc cũng là món ngon mà các bà nội trợ thường đổi bữa trong gia đình. Bánh được tạo ra đủ hình thù đẹp mắt tùy thuộc vào khuôn bánh. Thoa dầu vào khuôn, rồi cho hỗn hợp này vào vào xững nước sôi hấp 40 phút. Bánh chín để nguội lấy ra khỏi khuôn. Bánh dẻo, bùi, thơm của khoai, béo của dừa, độ ngọt vừa phải hòa quyện vào nhau. Nếu không ăn hấp thì bánh khoai vạc cũng có thể đem chiên lên. Bánh dùng bột năng nên sẽ tạo cho lớp vỏ bánh vị giòn và vị dẻo mềm bên trong bánh, không những vậy món bánh này còn có màu tím lạ mắt rất thú vị.
Ngoài việc chế biến làm thức ăn cho những bữa cơm, khoai vạc còn dùng nấu chè, làm bánh. Đặc biệt, khoai mỡ còn được dùng để đồ xôi cúng tổ tiên trong dịp lễ tết. Với màu tím gợi cảm, xôi vừa dẻo thơm vừa có vị ngọt bùi. Khi xôi còn nóng, múc ra đĩa hoặc lá chuối và rắc lên một ít mè rang là có thể dùng ngay.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn