Cua, ghẹ biển là những món có giá trị dinh dưỡng cao, được nhiều người sử dụng để tăng cường sức khỏe. Món mỹ vị này có nhiều thành phần dinh dưỡng như protein, lipid, Ca, P, Fe, vitamin B1, B2, PP, Mg và axit béo omega-3. Theo Đông y, thịt cua biển có vị ngọt, mặn, tính ấm, không độc, tác dụng bổ khí dưỡng huyết, ích xương tủy, thông kinh lạc, có tác dụng tốt với người hư nhược, trẻ em còi, người lớn gầy yếu, khó lên cân, gân xương, sinh lý yếu, huyết ứ...
Nên lựa chọn cua biển còn tươi sống để đảm bảo an toàn và nguồn dinh dưỡng khi ăn. (Ảnh minh họa)
Thịt cua có hàm lượng axit béo omega-3 cao vượt trội, giúp cân bằng mức cholesterol, giảm đông máu và thúc đẩy hoạt động chống viêm khắp cơ thể. Nhờ thế, ăn cua giúp làm giảm huyết áp, giảm căng thẳng cho tim và ngăn ngừa sự phát triển của xơ vữa động mạch.
Mặc dù cua biển tốt như vậy nhưng loại cua sau đây bạn tuyệt đối không nên ăn, có thể dẫn đến ngộ độc, đó là con cua đã chết.
Thông thường, các thực phẩm tươi sống như cá, tôm, cua phải tươi mới ngon. Cua ngắc ngoải, sắp chết thường được giảm giá "kịch sàn" có lý do của nó. Cần nhớ, cua là động vật ăn tạp, nó ăn mọi thứ từ cá sống đến cá chết, thực vật, ốc, tôm, giun, thậm chí cả thức ăn hư hỏng. Do đó, cua dễ mang nhiều loại vi khuẩn và độc tố trong cơ thể.
Thịt cua, gạch cua nhiều giá trị dinh dưỡng nếu tươi sống. (Ảnh minh họa).
Khi cua còn sống, bao tử của nó còn nguyên vẹn và hoạt động tốt, vi khuẩn và chất độc bị ức chế. Tuy nhiên, khi cua chết, bao tử cua có thể vỡ, chất độc lan ra bên ngoài cơ, các thớ thịt, khiến thịt cua nhanh chóng bị nhũn và nhão, làm mất đi hương vị đặc trưng của cua tươi. Lúc này, các vi khuẩn sinh sôi nhanh chóng, phá vỡ các protein và axit amin tự do thành các amin sinh học. Nói một cách đơn giản, các amin sinh học dư thừa có thể gây nhiễm độc cho cơ thể con người. Trong đó, độc hại nhất là histamine. Đáng lưu ý, nấu cua đã chết ở nhiệt độ cao không hoàn toàn loại bỏ độc tính của nó. Nếu cơ thể hấp thụ quá nhiều histamine có thể gây đau đầu, buồn nôn, khó thở, đánh trống ngực, phát ban, huyết áp cao, nôn mửa và các triệu chứng ngộ độc dị ứng khác. Trong trường hợp nghiêm trọng, nó có thể dẫn đến sốc, đe dọa tính mạng.
Vì vậy, để đề phòng, tốt nhất đừng ăn ngay cả những con cua vừa chết.
Nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Cua biển sinh trưởng trong môi trường đặc biệt nên sau khi vớt lên rất dễ chết, vậy ăn cua bảo quản đông đá được không? Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nếu cấp đông kịp thời và bảo quản tốt, cua biển chết có thể ăn được nhưng hương vị giảm đi rất nhiều, giá trị dinh dưỡng cũng giảm đi.
Nếu nhất định chọn cua biển đông lạnh, bạn có thể chọn dựa trên trọng lượng cua. Nếu cầm trong tay thấy con cua chắc, cứng, nó là cua còn tươi. Bạn cũng có thể sờ vào lưng ghẹ, thấy đầy đặn và nặng, cảm giác rắn chắc và đàn hồi, điều đó cho thấy cua tương đối tươi.
Cua biển kiêng ăn chung với gì?
Cua biển là món ăn nhiều người thích. (Ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, không nên ăn cua biển và quả hồng gần nhau. Quả hồng có chứa một lượng tanin nhất định, hàm lượng tanin của quả hồng chín ngọt có thể thấp hơn hoặc bằng 0,1%, trong khi quả hồng chưa chín có thể cao tới 4% hoặc nhiều hơn. Nếu ăn nhiều tanin mà trong dạ dày có nhiều protein thì tannin sẽ làm cho protein tạo thành phức hợp không hòa tan và làm cho pepsin không hoạt động, tạo thành "sỏi trong dạ dày", gây tắc nghẽn đường tiêu hóa và gây đau bụng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn