Loại hải sản bình dân là "chiếc ô bảo vệ tim", mỗi tuần ai cũng nên ăn ít nhất một lần

11:45 | 05/06/2022;
Món tôm không chỉ thơm ngon, dễ chế biến mà còn có tác dụng vàng trong việc bảo vệ sức khỏe.

Báo cáo Nghiên cứu Khoa học về Hướng dẫn Chế độ Ăn uống cho người Trung Quốc năm 2021 chỉ ra, kiểu ăn uống của người dân vùng Giang Nam, Trung Quốc với đặc điểm chính là rau, trái cây, thủy sản tôm cá... là mô hình ăn uống lành mạnh tiêu biểu của phương Đông. Theo nghiên cứu này, mọi người nên ăn nhiều tôm hơn. 

Thực tế, tôm là loại thực phẩm bổ ích cho cơ thể. Không chỉ bổ sung đủ các chất đạm cần thiết, tôm có hàm lượng chất béo thấp, có tác dụng bảo vệ tim mạch hiệu quả. Nhiều tài liệu ví tôm là chiếc ô bảo vệ cho hệ tim mạch. 

Tôm, kể cả tôm đồng hay tôm biển, đều giàu canxi. (Ảnh minh họa).

Ăn tôm có những lợi ích gì? 

Là loài thủy hải sản, tôm giàu các nguyên tố vi lượng như canxi và magiê, có thể bảo vệ tim mạch hiệu quả. Các nguyên tố này tham gia vào quá trình dẫn truyền và chuyển hóa của tim, ví dụ canxi tham gia vào quá trình kết nối giữa các sợi purkinje và các tế bào cơ tim. Các chất này còn giúp điều hòa tim và tăng cường vận tốc và sức mạnh dẫn truyền của tim.  

Kali trong tôm có thể giúp tăng cường hoạt động của tim

Tầm quan trọng của kali là điều không cần tranh cãi. Thiếu kali dẫn đến tê liệt và ảnh hưởng đến nhịp đập bình thường của tim. Do đó, bổ sung kali bằng cách ăn tôm với số lượng điều độ có thể làm tăng tần số và nhịp tim.

Tôm ít chất béo

Hàm lượng chất béo trong tôm thấp. Ăn nhiều tôm, bạn không cần lo xơ vữa động mạch, thậm chí còn giúp cơ thể bổ sung đủ chất đạm.

Astaxanthin trong tôm có thể quét các gốc tự do

Astaxanthin là một chất chống oxy hóa mạnh. Các tài liệu nghiên cứu cho thấy hiệu quả của Astaxanthin trong việc loại bỏ các gốc tự do - nguyên nhân gây lão hóa, bệnh tật - gấp khoảng 6.000 lần so với vitamin C. 

Do đó, ăn tôm thường xuyên có thể loại bỏ các gốc tự do hiệu quả, làm chậm quá trình lão hóa mạch máu và có lợi cho sức khỏe. Cần lưu ý rằng astaxanthin phân bố chủ yếu ở vỏ tôm, do đó, chế biến vỏ tôm phù hợp cũng sẽ mang lại lợi ích sức khỏe. 

Theo các chuyên gia sức khỏe, một tuần ăn tôm khoảng 2-3 lần, lượng tiêu thụ tổng khoảng 300-500 gam là hợp lý. 

Những điểm cần chú ý khi ăn tôm

Trước hết, khi mua tôm, cần chọn tôm tươi, không ôi, ươn. Mua nhầm tôm ươn có thể khiến bạn mắc bệnh tiêu hóa, gây hại cơ thể. Con tôm tươi trông cảm quan đanh, chắc, còn bật khi chạm vào. Trong trường hợp là tôm đông đá, tôm phải trong, không bị "vỡ" gạch, không đứt đầu, mắt tôm không bị đục. 

Khi chế biến, nên bỏ phần dạ dày tôm - nơi chứa rất nhiều chất bẩn, trứng ký sinh trùng và vi sinh vật có hại với sức khỏe con người. 

Nếu ăn tôm sống (gỏi tôm), cần chọn tôm sống, không ăn tôm đã "ngất". Làm gỏi cần chế biến sạch sẽ, an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Tôm đồng hay tôm sông, tôm biển đều tốt cho sức khỏe. (Ảnh minh họa). 

Sau khi ăn tôm, tuyệt đối không uống trà. Tôm rất giàu canxi, trong khi trà có thành phần axit oxalic, nếu hay uống trà sau khi ăn tôm lâu dần sẽ rất dễ hình thành sỏi canxi oxalat gây sỏi thận. 

Không ăn hoa quả và tôm cùng một lúc, dễ gây đau bụng. 

Nhiều người thích ăn hải sản và uống bia cùng lúc, nhưng đối với người bị bệnh gút, sự kết hợp này sẽ dẫn đến cơn gút tấn công, khiến bạn đau đớn.

Một số người có cơ địa dị ứng tôm (tôm đồng hoặc tôm hải sản), nên lắng nghe cơ thể để biết mình có nên ăn hay không. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn