Hoa dã quỳ có ở nhiều nơi trên đất nước ta nhưng hiếm có nơi nào dã quỳ lại đượm màu và giàu sức sống như ở Tây Nguyên. Khi những cơn mưa cuối mùa bắt đầu ngớt, những con đường đất đỏ bazan của xứ cao nguyên bắt đầu khô ráo, bụi bắt đầu tung mù trời cũng là lúc những bông dã quỳ vàng rực bung sắc như mật.
Cũng vì vẻ đẹp đặc biệt đó mà cứ mỗi độ tháng 10, nhiều người lại rong ruổi trên mảnh đất Tây Nguyên, tận hưởng sắc hoa dã quỳ. Cũng không rõ từ bao giờ, sắc vàng của loài hoa này đã chiếm trọn tình cảm của khách thập phương. Trên chiếc xe gắn máy hoặc ô tô, du khách có thể dừng chân ngắm hoa dã quỳ ở cao nguyên Lang Biang (Lâm Đồng), cao nguyên M’Đrắk (Đắk Lắk) hay núi Hàm Rồng (Gia Lai)... Hoa nở dưới rẫy cà phê, bên những con đường đất đỏ chạy dài dưới cánh rừng thông hay trên thảo nguyên bao la.
"Tôi thích nhất là cảm giác được chạy xe máy len lỏi vào sâu trong những bản, làng, nương rẫy. Ở đó, chỉ có sắc vàng của hoa và trời xanh bao la. Cảm giác thật yên bình, khó có thể tìm thấy ở nơi đâu", Hoàng Lan, một du khách đến từ TP.HCM, chia sẻ.
***
Nhắc đến hoa dã quỳ, không thể không nhắc đến núi lửa Chư Đăng Ya, nơi được mệnh danh là "thiên đường" của loài hoa này. Ngọn núi lửa Chư Đăng Ya cách thành phố Pleiku (Gia Lai) chừng 30km về hướng Bắc (thuộc làng Plơi Iagri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh). Cứ đến độ tháng 10-11 hàng năm, sắc vàng của hoa dã quỳ lại rực rỡ khắp các triền đồi và lối đi quanh ngọn núi lửa này.
Những năm gần đây, vào độ hoa nở rộ cũng là lúc Lễ hội hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đăng Ya diễn ra với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Dưới chân ngọn núi lửa, mọi người được hòa mình vào những điệu nhảy trong tiếng cồng chiêng, xem các nghệ nhân dệt thổ cẩm và ngay cạnh là những đóa hóa dã quỳ nở bung, khoe sắc.
Đến đây, du khách còn được thưởng thức các món đặc sản như cơm lam ống nứa, gà nướng... Đó thực sự là những trải nghiệm đáng nhớ đối với những ai yêu quý vùng đất Tây Nguyên đại ngàn.
***
Ngoài tên gọi dã quỳ, loài hoa này còn được gọi là hoa sơn cúc, hoa cúc quỳ hoặc hoa quỳ. Nhưng cái tên dã quỳ lại được nhiều người nhớ hơn cả. Nó mang ý nghĩa về vẻ đẹp vừa quý phái, vừa mạnh mẽ lại hoang dã của núi rừng.
Có truyền thuyết kể rằng: Ngày xưa có chàng K’ang của núi rừng yêu tha thiết nàng H’limh của sông suối. Ngày ngày, K’lang vào rừng săn bắt thú rừng, còn H’limh khéo léo dệt tấm chăn kiệu chồng (theo tục lệ của bộ tộc, người con gái trước khi lấy chồng phải dệt một tấm chăn thật đẹp để mang về nhà chồng). Cuộc sống hạnh phúc của họ cứ thế trôi đi. Một ngày kia, H’limh chờ đến tối không thấy K’lang đi săn về. Lo lắng, nàng đi tìm K’lang, đi mãi, hết mười mấy con suối, mười mấy ngọn núi vẫn không thấy bóng dáng người yêu đâu. Mệt quá, nàng ngủ thiếp đi.
Trong giấc mơ, nàng thấy K’lang gọi nàng và bảo hãy đi thêm một con suối nữa sẽ gặp chàng. Nàng giật mình tỉnh giấc rồi đi tiếp đến cuối nguồn, thấy K’lang đang bị những tên hung ác của bộ tộc Lasiêng trói chặt. Nàng chạy lại ôm lấy người yêu, mặc cho những mũi tên, ngọn giáo đâm vào da thịt. Mặc đau đớn, nàng quyết bảo vệ người yêu cho tới khi trúng mũi tên độc cuối cùng của La Rihn, con trai tộc trưởng Lasiêng, kẻ quá hờn ghen với tình yêu của H’limh dành cho K’lang. Từ đó, cứ mỗi độ tháng 10, nơi nàng H’limh qua đời lại nở ra một loài hoa có màu vàng rực. Đó chính là dã quỳ với những cánh hoa vàng mãnh liệt như tình yêu chung thủy.
Năm tháng qua đi, mùa dã quỳ này tàn đi, mùa dã quỳ khác lại tới. Vẻ đẹp của loài hoa này sẽ mãi gợi nhớ thương cho những người yêu miền đất Tây Nguyên đại ngàn. Hoang dã, quyến rũ và trường tồn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn