Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc có tiếp nhận 3 trường hợp nữ du khách tới cấp cứu do nghi ngờ ngộ độc hoa chuông.
Theo bác sĩ Đỗ Đình Lượng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, 3 bệnh nhân tới trong tình trạng tê môi, lưỡi, chân tay, một người phụ nữ có biểu hiện hoang tưởng, ảo giác, kích động.
Được biết cả 3 bệnh nhân tới Tam Đảo du lịch. Trên đường ngắm cảnh họ thấy hoa chuông nên có hái về để nấu ăn. Sau khi ăn khoảng 5-7 phút, cả ba người đều xuất hiện tình trạng tê môi, lưỡi, chân tay. Ba người đã bắt xe xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc (cách khoảng 25km) cấp cứu.
Sau 10 giờ đồng hồ điều trị hồi sức tích cực, cả ba hiện ổn định.
Bác sĩ Lượng cho hay, hoa chuông có chứa chất độc Scopolamine, có thể gây hội chứng cholinergic với biểu hiện như tê bì môi, lưỡi, hoang tưởng, ảo giác, thậm chí nếu ăn với số lượng lớn có thể gây tử vong.
Không chỉ hoa mà tất cả các bộ phận khác của hoa chuông đều có độc tố, nếu không may ăn phải có thể gây ngộ độc. Trường hợp ngộ độc ở mức nhẹ bệnh nhân sẽ có biểu hiện: nôn trớ, mệt mỏi, choáng váng… Ngộ độc hoa chuông nặng không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tình trạng suy thận, suy tim cấp, bị ảo giác, hoang tưởng.
Bác sĩ Lượng khuyến cáo, độc tố trong hoa chuông rất mạnh để tránh ngộ độc, người dân không nên ăn bất cứ bộ phận nào của cây. Khi đi du lịch vùng núi tuyệt đối không ăn các loại quả, hoa, cây cỏ không rõ nguồn gốc.
Nhà khoa học Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cũng khuyến cáo, hiện nay hoa chuông được nhiều người trồng làm cảnh mà không biết trong hoa có độc tố nguy hiểm. Độc tố của hoa chuông tác động cực mạnh đến hệ thần kinh trung ương.
Chất scopolamine chiết xuất từ hoa chuông nếu dùng liều cao có thể gây ngưng thở và tử vong. Ở liều thấp, chất này không gây chết người nhưng có tác dụng gây ảo giác rất mạnh, thậm chí gây mê, đồng thời có khả năng làm mất đi thần trí của con người và đưa con người vào trạng thái như bị thôi miên.
Theo ông Sáng, hoa chuông là loại hoa đẹp nhưng vì tính độc của loại cây này người dân cũng không nên trồng trong nhà. Vì nếu không may ăn phải sẽ gây ngộ độc đáng tiếc.
Trước đó, vào năm 2013, 4 người ở Lâm Đồng đã đến nhập viện với triệu chứng nghi bị ngộ độc. Nguyên nhân vì thấy hoa chuông đẹp nên một người đã hái về để nấu lẩu. Khoảng 5 phút sau khi ăn, 4 người đều có triệu chứng giống nhau: không kiểm soát được hành vi, la hét, nói năng lảm nhảm, khó tiểu, nhịp tim nhanh...
Năm 2020, Bệnh viện tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận 3 bệnh nhân cùng ở xã Liên Hội, huyện Văn Quan, Lạng Sơn, trong tình trạng hôn mê; gọi hỏi, cấu véo không phản ứng, xen lẫn những cơn kích thích, vật vã. Trước đó, ba người cùng ăn hoa loa kèn rừng (hoa chuông) xào, sau ăn khoảng 5 giờ, cả ba đều hôn mê...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn