Bạn đã bao giờ tự hỏi chính xác có bao nhiêu loài kiến sống trên Trái Đất? Có thể là không, nhưng chắc chắn đó là một câu hỏi mà rất nhiều người từng nghĩ tới.
Nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học tại Đại học Tây Úc, Đại học Hồng Kông, Đại học Charles Darwin và Đại học Würzburg ước tính một cách thận trọng rằng hành tinh của chúng ta đang có khoảng hơn 20.000.000.000.000.000.000 (20 tỷ tỷ) con kiến đến từ các loài khác nhau.
Theo đó, nghiên cứu này cũng ước tính tổng thể kiến trên thế giới tạo thành khoảng 12 triệu tấn carbon khô. Con số này vượt quá khối lượng của tất cả các loài chim hoang dã và động vật có vú hoang dã trên thế giới cộng lại. Tuy nhiên con số này cũng bằng khoảng 1/5 tổng trọng lượng của con người trên toàn thế giới.
Nhà sinh vật học nổi tiếng Edward O. Wilson từng nói côn trùng và các động vật không xương sống khác là “những thứ nhỏ bé vận hành thế giới” - và ông ấy đã đúng. Đặc biệt, kiến là một phần quan trọng của tự nhiên. Trong số các vai trò khác, kiến làm thông khí cho đất, phân tán hạt giống, phân hủy chất hữu cơ, tạo môi trường sống cho các loài động vật khác và tạo thành một phần quan trọng của chuỗi thức ăn.
Việc ước tính số lượng và khối lượng kiến cung cấp một cơ sở quan trọng để theo dõi quần thể kiến trong bối cảnh môi trường có những thay đổi đáng lo ngại.
Tính tới thời điểm hiệ tại, có hơn 15.700 loài và phân loài kiến đã được đặt tên, và nhiều loài khác vẫn chưa được khoa học đặt tên. Mức độ tổ chức xã hội cao của kiến đã cho phép chúng xâm chiếm gần như tất cả các hệ sinh thái và khu vực trên toàn cầu.
Sự phổ biến đáng kinh ngạc của loài kiến đã khiến nhiều nhà tự nhiên học suy ngẫm về số lượng chính xác của chúng trên Trái Đất. Nhưng về cơ bản đây vẫn chỉ là những phỏng đoán.
Đối với nghiên cứu mới này, các nhà khoa học đã phân tích 489 nghiên cứu về quần thể kiến do các nhà khoa học kiến đồng nghiệp trên khắp thế giới thực hiện. Những tài liện này được viết bằng tiếng Anh và cả bằng các ngôn ngữ như Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Nga, Quan Thoại và Bồ Đào Nha.
Nghiên cứu trải dài trên tất cả các lục địa và các môi trường sống chính bao gồm rừng, sa mạc, đồng cỏ và thành phố. Theo đó nhóm nghiên cứu đã sử dụng các phương pháp tiêu chuẩn hóa để thu thập và đếm số lượng kiến và đúng như những gì bạn có thể tưởng tượng, đây thường là công việc khá tẻ nhạt.
Con số mà nghiên cứu mới này đưa ra cao hơn từ hai đến 20 lần so với các ước tính trước đó. Các số liệu trước đây áp dụng phương pháp tiếp cận “từ trên xuống” bằng cách giả định kiến chiếm khoảng 1% dân số côn trùng ước tính trên thế giới. Ngược lại, ước tính “từ dưới lên” của nghiên cứu lần này đáng tin cậy hơn vì nó sử dụng dữ liệu về những con kiến được quan sát trực tiếp trên thực địa và đưa ra ít giả định hơn.
Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy kiến phân bố không đồng đều trên bề mặt Trái Đất. Chúng khác nhau gấp sáu lần giữa các môi trường sống và thường đạt đỉnh ở vùng nhiệt đới. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của các vùng nhiệt đới trong việc duy trì các quần thể kiến khỏe mạnh.
Kiến cũng đặc biệt nhiều trong rừng, và đáng ngạc nhiên là ở những vùng khô cằn. Nhưng chúng trở nên ít phổ biến hơn trong môi trường sống do con người tạo ra.
Kiến cũng cung cấp "dịch vụ hệ sinh thái" quan trọng cho con người. Ví dụ, một nghiên cứu gần đây cho thấy kiến có thể hiệu quả hơn thuốc trừ sâu trong việc giúp nông dân sản xuất thực phẩm.
Kiến cũng đã phát triển các mối quan hệ tương tác chặt chẽ với các sinh vật khác - và một số loài không thể tồn tại nếu không có chúng.
Ví dụ, một số loài chim dựa vào kiến làm con mồi chính. Và hàng ngàn loài thực vật có những cơ chế sinh học nuôi kiến để đổi lấy sự bảo vệ, hoặc phân tán hạt giống của chúng. Và nhiều loài kiến là những kẻ săn mồi, giúp kiểm soát các quần thể côn trùng khác.
Tham khảo: ZME; Theconversation; Sina
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn