Nấm vân chi có tên khoa học là Trametes versicolor, loại nấm này còn được gọi là nấm đuôi gà tây. Để nhận biết loại nấm này và có thể phân biệt với nấm linh chi, mọi người có thể thông qua một số đặc điểm như nấm có dạng hình nan quạt hoặc dạng vành - nhìn giống với đuôi gà tây, không có cuống, bề mặt phía trên có những vành kẻ đồng tâm rất độc đáo, mọc thành cụm, bề mặt có lông mịn, mặt dưới chứa lỗ phóng bào tử, số lượng trung bình 3-8 lỗ/mm2.
Nấm vân chi có chứa nhiều chất có lợi cho sức khoẻ như polysaccharides, chất chống oxy hóa, beta-glucan, sterol, axit béo, hợp chất phenolic.
Nấm vân chi có giá trị sức khoẻ cao, đặc biệt tốt cho người bị ung thư, tăng cường miễn dịch cho cơ thể. Dưới đây là những lợi ích nổi bật của nấm vân chi đối với sức khoẻ:
Nấm vân chi có tác dụng tăng cường miễn dịch là nhờ chất polysaccharopeptide trong loại nấm này. Krestin (PSK) và Polysaccharide Peptide (PSP) là hai loại polysaccharopeptide được tìm thấy trong nấm vân chi. Chất này thúc đẩy phản ứng miễn dịch bằng cách kích hoạt và ức chế các loại tế bào miễn dịch cụ thể và bằng cách ức chế viêm. Cụ thể:
+ Restin (PSK) kích thích các tế bào đuôi gai, thúc đẩy khả năng miễn dịch với độc tố và điều chỉnh phản ứng miễn dịch. Ngoài ra, PSK kích hoạt các tế bào tiêu diệt tự nhiên, một loại tế bào bạch cầu giúp bảo vệ chống lại mầm bệnh và khối u ung thư.
+ Polysaccharide Peptide (PSP) làm tăng bạch cầu đơn nhân, là loại tế bào bạch cầu chống nhiễm trùng và tăng cường khả năng miễn dịch.
Chiết xuất từ nấm vân chi đã được sử dụng ở Nhật Bản trong nhiều thập kỷ như một liệu pháp bổ trợ cho các phương pháp điều trị ung thư. Các chiết xuất này thường được kết hợp với hóa trị hoặc xạ trị để tăng hiệu quả của các phương pháp điều trị này và cải thiện kết quả.
Loại nấm này có tác dụng phòng ngừa ung thư và giúp người bệnh ung thư điều trị tốt hơn là nhờ vào các hợp chất Krestin (PSK) và Polysaccharide Peptide (PSP). Các hợp chất này thúc đẩy sự phát triển của tế bào bạch cầu để hỗ trợ hệ thống miễn dịch khoẻ mạnh, từ đó ngăn ngừa được bệnh tật.
Hơn nữa, một loại polysaccharide nhất định được tìm thấy trong nấm vân chi có tên là Coriolus versicolor glucan (CVG) có thể ngăn chặn một số khối u nhất định.
Nấm vân chi có chứa prebiotic, có thể cải thiện sức khỏe đường ruột bằng cách thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn có lợi hỗ trợ tiêu hóa khỏe mạnh.
Một nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy chiết xuất từ nấm vân chi đã biến đổi thành phần vi khuẩn đường ruột bằng cách tăng số lượng vi khuẩn có lợi như Bifidobacteria và Lactobacillus đồng thời làm giảm các vi khuẩn có hại, chẳng hạn như Clostridium và Staphylococcus.
Đặc biệt, việc có hàm lượng vi khuẩn Lactobacillus và Bifidobacteria ở mức khỏe mạnh có liên quan đến việc cải thiện các triệu chứng đường ruột như tiêu chảy, tăng cường hệ thống miễn dịch, giảm mức cholesterol, giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư và cải thiện tiêu hóa.
Trong nấm vân chi rất giàu chất chống oxy hoá như phenol và flavonoid, hợp chất này giúp ức chế hoặc giảm thiệt hại do stress oxy hóa gây ra, thúc đẩy sức khỏe hệ thống miễn dịch bằng cách giảm viêm và kích thích giải phóng các hợp chất bảo vệ.
Stress oxy hoá là kết quả của sự mất cân bằng giữa chất chống oxy hóa và các phân tử không ổn định được gọi là gốc tự do. Điều này có thể dẫn đến tổn thương tế bào và viêm mãn tính.
Sự mất cân bằng này cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển các tình trạng sức khỏe, chẳng hạn như một số bệnh ung thư và bệnh tim.
Ngoài những lợi ích nổi bật trên, nấm vân chi còn có nhiều tác dụng khác như tăng cường hiệu suất thể thao, chống lại vi-rút HPV, kháng khuẩn, cải thiện tình trạng kháng insulin, cải thiện chức năng nhận thức.
Nấm vân chi được coi là an toàn và ít gây ra tác dụng phụ trong báo cáo.
Tuy nhiên, một số người vẫn gặp các triệu chứng khó chịu khi sử dụng loại nấm này:
- Đầy hơi
- Chướng bụng
- Phân đen
- Móng tay bị sẫm màu
- Ợ nóng
Khi được sử dụng như một phương pháp điều trị ung thư cùng với hóa trị, các tác dụng phụ bao gồm buồn nôn, nôn và chán ăn.
Tránh dùng thực phẩm bổ sung từ nấm vân chi nếu bạn:
- Đang mang thai hoặc cho con bú: Chưa có nghiên cứu nào được tiến hành về tính an toàn của nấm vân chi đối với người đang mang thai hoặc cho con bú.
- Bị tiểu đường: Nấm vân chi có thể làm giảm lượng đường trong máu và khiến lượng đường xuống quá thấp khi dùng chung với thuốc tiểu đường.
- Bị dị ứng với nấm: Ai bị dị ứng với nấm nên tránh ăn nấm vân chi hoặc bất kỳ loại nấm nào.
- Trẻ em cũng nên tránh ăn nấm vân chi vì chưa có nghiên cứu nào về tính an toàn của loại thực phẩm này ở trẻ vị thành niên.
- Nấm vân chi mọc hoang có thể tích tụ các kim loại nặng như thủy ngân, chì, cadmium và asen. Các kim loại này có thể gây ra rủi ro cho sức khỏe khi tiêu thụ quá nhiều. Để đảm bảo an toàn, bạn nên sử dụng nấm vân chi với liều lượng vừa đủ, nên chọn nấm ở những vùng đất không bị ô nhiễm.
- Nấm vân chi có thể tương tác với một số loại thuốc như một số loại thuốc chống ung thư, thuốc trị tiểu đường, thực phẩm bổ sung có tác dụng hạ đường huyết.
Trên đây là những công dụng, tác dụng phụ và những lưu ý khi sử dụng nấm vân chi. Đây là một loại thảo dược nên mọi người cần tham khảo ý kiến của bác sĩ có chuyên môn trước khi sử dụng, không tự ý dùng nấm vân chi để điều trị bệnh mà không có chỉ định, hướng dẫn từ bác sĩ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn