Loại nấm quý ngang nấm linh chi, giàu protein chất lượng cao lại ít calo, cực tốt cho sức khỏe

16:40 | 14/11/2024;
Nấm bụng dê hay còn được gọi là nấm Morel được biết đến là có nhiều công dụng đối với sức khoẻ nhờ bảng thành phần dinh dưỡng có giá trị dồi dào.

Nấm bụng dê là gì? Đây là loại nấm có mũ giống hình tổ ong độc đáo, màu nâu vàng với hương vị ngọt đậm đà tự nhiên nhiều công dụng với sức khoẻ. Nấm bụng dê có tên khoa học là Morchella esculenta và nó thuộc họ Morchellaceae. Nấm bụng dê có mũ nấm hình thon dài như một chiếc chùy khoảng 4 - 6 cm, chiều rộng khoảng 2 - 4 cm. Cũng giống như các loại nấm khác, nấm bụng dê cũng là thực phẩm ít calo, giàu dinh dưỡng và nên được thêm vào là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh.

Với khẩu phần 100 gam nấm bụng dê chỉ có 31 calo nhưng lại có tới 12,2 mg sắt cùng vitamin vitamin A, vitamin B, vitamin D, selen, đồng, kali, phốt pho và nhiều chất dinh dưỡng khác. Theo đó, các tác dụng của nấm bụng dê đối với sức khỏe có thể kể đến như:

1. Nấm bụng dê giàu chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa bệnh mãn tính

Chất chống oxy hóa được hiểu là các hợp chất mạnh giúp chống lại tổn thương do gốc tự do gây ra cho cơ thể, ngăn ngừa stress oxy hóa - là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh mãn tính cho cơ thể.

Nghiên cứu trong ống nghiệm được công bố trên Tạp chí Pharmaceutical Biology cho thấy nấm morel chứa nhiều chất chống oxy hóa như carotene, axit linoeic, tocopherol có thể giúp loại bỏ các gốc tự do và ngăn ngừa quá trình peroxy hóa lipid.

Loại nấm quý ngang nấm linh chi, giàu protein chất lượng cao lại ít calo, cực tốt cho sức khỏe- Ảnh 1.

Nấm bụng dê giàu chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa bệnh mãn tính (Ảnh: ST)

2. Có thể có đặc tính kháng khuẩn

Một nghiên cứu trong ống nghiệm năm 2017 được thực hiện bởi các nhà khoa học Ấn Độ cho thấy, tác dụng của nấm bụng dê trong việc ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn Escherichia coli (E.coli) - tác nhân gây ra nhiều vấn đề đường ruột như ngộ độc, tiêu chảy, nôn mửa. Đặc tính kháng khuẩn của nấm bụng dê cũng có thể giúp giảm hoạt động của Aspergillus fumigatus một loài nấm được biết là gây nhiễm trùng cho những người có hệ miễn dịch suy yếu.

3. Tác dụng của nấm bụng dê trong hỗ trợ thúc đẩy sức khỏe lá gan

Dựa vào đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ của mình mà dường như tác dụng của nấm bụng dê có thể liên quan tới khả năng thúc đẩy sức khỏe lá gan khỏe mạnh hơn cũng như giảm một số dấu hiệu của bệnh gan. Tuy nhiên các nghiên cứu này mới chỉ nhỏ và chưa phổ biến trên quần thể người.

Do vậy mà người bị bệnh gan không nên sử dụng nấm bụng dê như một cách thay thế thuốc điều trị bệnh gan theo đơn của bác sĩ.

4. Tăng cường chức năng miễn dịch

Một nghiên cứu trong ống nghiệm trên Tạp chí Food and Chemical Toxicology đã chứng minh rằng chiết xuất polysaccharide từ nấm bụng dê có thể tăng cường hoạt động và đặc tính chống viêm của tế bào miễn dịch. Một nghiên cứu khác cũng có những phát hiện tương tự, cho thấy rằng hợp chất polysaccharide có trong nấm có thể hoạt động như tác nhân điều hòa miễn dịch trong ống nghiệm.

Loại nấm quý ngang nấm linh chi, giàu protein chất lượng cao lại ít calo, cực tốt cho sức khỏe- Ảnh 2.

Nấm bụng dê có màu vàng nâu đặc trưng (Ảnh: ST)

5. Tiềm năng trong chống lại tế bào ung thư

Ngoài tác dụng của nấm bụng dê là tăng cường khả năng miễn dịch và cung cấp cho cơ thể một lượng lớn chất chống oxy hóa chống lại bệnh tật thì một tác dụng của nấm bụng dê tiềm khác tương đối có tiềm năng là tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của tế bào ung thư.

Một nghiên cứu trong ống nghiệm trên Tạp chí Khoa học Phân tử Quốc tế phát hiện ra rằng các hợp chất chiết xuất từ nấm bụng dê đã ức chế sự phát triển và lây lan của các tế bào ung thư ruột kết theo các liều lượng khác nhau.

6. Nấm bụng dê giàu vitamin D tốt cho sức khoẻ

Các thực phẩm tự nhiên giàu vitamin D không quá phổ biến và nấm bụng dê là một trong số đó. Chỉ một cốc nấm bụng dê có chứa tới 136 IU vitamin D - tương đương 27% nhu cầu vitamin D được khuyến nghị hàng ngày ở người trưởng thành.

Việc hấp thụ đủ vitamin D mỗi ngày rất quan trọng với sự khỏe mạnh của xương, hệ miễn dịch, chức năng não và kiểm soát cân nặng.

Loại nấm quý ngang nấm linh chi, giàu protein chất lượng cao lại ít calo, cực tốt cho sức khỏe- Ảnh 3.

Bạn có thể dễ dàng chế biến nấm bụng dê theo nhiều công thức khác nhau (Ảnh: ST)

7. Giàu dinh dưỡng, dễ dàng thêm vào chế độ ăn

Không chỉ giàu vitamin D, nấm bụng dê cũng là thực phẩm ít béo, có nguồn gốc thực vật nên có thể dễ dàng bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày hay các chế độ ăn tốt cho tim mạch thay thế cho thịt.

Việc tăng cường các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật có tác dụng giảm cholesterol, tăng năng lượng và củng cố sức khoẻ.

Ngoài ra, nấm bụng dê cũng giàu sắt. Ăn các thực phẩm giàu sắt giúp hỗ trợ nhiều quá trình sinh hóa của cơ thể như miễn dịch, vận chuyển oxy,... Lượng sắt được khuyến nghị hàng ngày bổ sung cho cơ thể theo khuyến nghị là 18 mg, còn trong 100 gam nấm bụng dê đã có tới hơn 12 mg sắt - gần như đáp ứng toàn bộ nhu cầu này, theo WebMD.

8. Ăn nấm bụng dê có an toàn không?

Ngoài việc nắm rõ các tác dụng của nấm bụng dê thì bạn cũng cần chú ý tới các tác dụng phụ hay rủi ro có thể gặp khi ăn nấm bụng dê.

- Nguy cơ dị ứng: Giống như mọi thực phẩm khác thì ăn nấm bụng dê cũng có thể dẫn tới dị ứng ở người nhạy cảm. Các phản ứng dị ứng nấm có thể bao gồm mẩn ngứa, phát ban, sưng nề niêm mạc da/họng/đường hô hấp, sưng môi, khó thở và nghiêm trọng hơn có thể là sốc phản vệ. Do vậy nếu có tiền sử dị ứng các loại nấm khác thì tốt nhất là bạn không nên ăn nấm bụng dê hoặc chỉ ăn một lượng rất nhỏ để kiểm tra trước khi ăn.

- Nhầm lẫn với nấm độc: Ngoài ra, nấm bụng dê do có vẻ bề ngoài lạ mắt nên bị nhầm lẫn với nấm độc. Cần phân biệt nấm lành và nấm độc để tránh bị ngộ độc nấm dại. Ngộ độc nấm có thể gây đau đầu, nôn mửa, ảo giác, lú lẫn, hôn mê, đau bụng,...

Loại nấm quý ngang nấm linh chi, giàu protein chất lượng cao lại ít calo, cực tốt cho sức khỏe- Ảnh 4.

Cần phân biệt nấm bụng dê và nấm độc (Ảnh: ST)

Theo đó, có nhiều cách để phân biệt nấm độc và nấm ăn, dựa trên màu sắc, hình dáng, mùi,... Tuy nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ nên rất khó để có thể phán đoán được nấm độc và nấm ăn có các hình dáng tương tự nhau nếu không có kiến thức và kinh nghiệm. Cụ thể:

+ Màu sắc nấm: Phần lớn nấm độc có màu đỏ, cam, vàng,... là các màu sặc sỡ. Quan sát mũ nấm có thể thấy các màu sắc sặc sỡ cùng các đốm đỏ, đen hoặc thân nấm có các vết vằn nứt. Ngược lại thì nấm ăn có màu đơn giản hơn, đa phần là nấm có mũ màu đen, xám hoặc trắng (Dễ nhầm lẫn với nấm mũ trắng rất độc).

+ Ngửi bằng mũi: Khi ngắt nấm độc, thân cây nấm thường có một lớp mủ nhựa chảy ra có mùi hắc, đắng, khó ngửi - khác hoàn toàn với nấm ăn được có mùi thơm nhẹ hoặc không có mùi.

+ Quan sát hình dạng cây nấm: Đa phần nấm độc sẽ có các lá tia nằm bên dưới mũ nấm có màu trắng. Với nấm ăn được thì lá tia này thường có màu nude (màu da) hoặc màu nâu. Bên cạnh đó, nấm độc thường có các lớp vẩy màu sáng hoặc tối nhìn như các vết đốm; trên thân nấm độc có một lớp vòng tròn bao quanh phần dưới của mũ nấm.

9. Cách chế biến nấm bụng dê đúng cách

Để nấu nấm bụng dê không khó. Trước tiên, hãy rửa sạch nấm sau khi mua về và thấm khô bằng khăn hoặc ngâm nấm trong nước ấm có rắc một chút muối để loại bỏ bụi bẩm ở mũ và thân nấm. Khi nấu nấm, nên nấu trong khoảng 15 phút hoặc quan sát thấy nấm chín mềm. Tuyệt đối không nên ăn nấm bụng dê sống hoặc ăn nấm bụng dê chưa chín do có thể bị đau bụng.

Loại nấm quý ngang nấm linh chi, giàu protein chất lượng cao lại ít calo, cực tốt cho sức khỏe- Ảnh 5.

Nhiều công dụng của nấm bụng dê cần được nghiên cứu trên người rộng rãi hơn trước khi kết luận (Ảnh: ST)

Chú ý, không nên bảo quản nấm bụng dê trong tủ lạnh quá 3 ngày. Trong trường hợp muốn bảo quản nấm bụng dê lâu hơn, cần cân nhắc tới việc đông lạnh nấm hoặc sấy khô, nhưng điều này có thể khiến hương vị bị ảnh hưởng.

Nhìn chung, các tác dụng của nấm bụng dê đối với sức khỏe phần lớn dựa vào thành phần dinh dưỡng trong loại nấm này và có nhiều công dụng của nấm mới đang ở ngưỡng lợi ích tiềm năng và cần nhiều nghiên cứu hơn trên người trước khi kết luận chính xác. Các tác dụng của nấm bụng dê kể trên chỉ mang tính chất tham khảo. Do vậy, hãy thận trọng khi ăn nấm, theo dõi các phản ứng của cơ thể. Nếu đang sử dụng theo đơn, hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi thêm nấm bụng dê vào chế độ ăn, tránh tương tác thuốc không mong muốn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn