Trong một bức tranh vẽ vào năm 1675, một người làm vườn đã quỳ trước mặt Vua Charles II của nước Anh để dâng tặng ông một thức quả mới lạ: quả dứa.
Dứa là một xa xỉ phẩm thời bấy giờ, đại diện cho sự sang trọng và uy tín tột bậc. Dứa cũng nằm trong số những loại quả được nhập vào Anh đầu tiên từ Châu Mỹ. Ngoài ra, loại quả ngoại lai này còn được trang trí trên đỉnh tháp phía tây của nhà thờ St. Paul, một địa danh mang tính biểu tượng của nước Anh.
John Evelyn, người ghi chép của nhà vua, đã ghi lại khoảnh khắc lần đầu Vua Charles II nếm thử dứa trong yến tiệc với đại sứ Pháp vào năm 1668. Lúc đó, vẻ ngoài xù xì của quả dứa đã khiến mọi người có mặt cực kỳ ngỡ ngàng.
Nhà văn người Anh, Francesca Beauman cho biết: “Dứa đã nhận được sự săn đón của mọi người, bởi các nhà thám hiểm đến Tân Thế giới đã không ngừng ca tụng, quảng bá và mô tả vị ngon khó cưỡng của loại quả này”.
Dứa cũng nổi tiếng ở khắp khu vực Bắc Mỹ. Được biết, cựu tổng thống Mỹ George Washington rất yêu thích dứa. Trong chuyến đi tới Barbados năm 1751, ông đã ghi lại trong nhật ký: “Không có loại quả nào kích thích vị giác của tôi bằng dứa”.
Vì dứa không xuất hiện trong Kinh Thánh hay bất cứ văn bản cổ xưa nào của La Mã và Hy Lạp, nên một bộ phận người dân vẫn còn xa lạ với loại quả này. Người Anh đã làm mọi cách để khiến dứa được phổ biến rộng rãi. Từ đó, dứa đã trở thành vua của mọi loại quả, ăn sâu vào văn hóa Anh.
Dứa cần nhiệt độ cao để phát triển, và phải mất nhiều thời gian để cây lớn lên. Vì sự ưa chuộng rộng rãi trên toàn nước Anh, người dân đã đổ xô trồng loại cây này.
Beauman nói thêm: “Mặc dù đó là dự án bất khả thi, bởi khí hậu ở Anh và Scotland lạnh và mưa nhiều, nhưng vào những năm 1770, tầng lớp thượng lưu của Anh đua nhau trồng dứa. Thậm chí, điều này trở thành nét đặc trưng cho một khu vườn ở nông thôn”.
Việc canh tác không hề dễ dàng và đòi hỏi chi phí cao. Bởi để trồng được dứa này trong điều kiện thời tiết không thuận lợi như Anh, thì cần phải xây dựng kiểu nhà kính đặc biệt, cung cấp nhiệt độ cho cây trồng từ bên dưới bằng cách sử dụng lò đốt, mang đến rủi ro hỏa hoạn cao. Beauman nhận định: “Trồng dứa kỳ công đến độ, nếu có ai thành công thì họ sẽ đi khắp nơi để khoe khoang về chiến tích của mình”.
Theo tính toán của Beauman, nếu tính hết chi phí xây dựng, sưởi ấm cũng như thời gian thu hoạch, một quả dứa có thể lên tới 80 bảng Anh, tương đương với 15.000 đô la (355 triệu VNĐ) theo tỷ giá ngày nay. Số tiền này tương đương một chiếc xe có ngựa kéo, hay mua một chiếc ô tô mới ở nước Anh lúc bấy giờ.
Beauman kể lại: “Mọi nhà đều có một cậu bé chuyên làm vườn, người thường xuyên ngủ ở gần cây trồng để canh cho cây không bị bốc cháy. Có thể nói trồng dứa là một cách thể hiện sự giàu sang và địa vị của bạn”.
Mặc dù dứa được coi trọng trong văn hóa Anh, nhưng không mấy ai ăn loại quả này. Beauman giải thích: “Nếu bạn thật sự giàu và có một thợ làm vườn lành nghề, điều đầu tiên bạn nghĩ đến chính là tặng dứa làm quà cho bạn bè, hay để trang trí trên bàn ăn như là một biểu tượng địa vị. Thường thì người ta sẽ để dứa trên bàn cho tới khi hỏng. Loại quả này còn được ví như chiếc túi Gucci hàng hiệu”.
Dứa cũng được cho thuê. Theo đó, người ta sẽ mượn dứa để mang tới bữa tiệc trong vài giờ, rồi sau đó đem trả lại.
Chính vì thường được sử dụng để trưng bày, nên hình ảnh của quả dứa cũng được đưa vào trang trí trong xây dựng kiến trúc và làm đồ gốm sứ. Beauman mô tả: “Tôi cho rằng quả dứa có tính thẩm mỹ tự nhiên. Thật dễ dàng để tạo kiểu, bởi nó có tính đối xứng và khá đơn giản, đồng thời cho phép giới quý tộc truyền đạt giá trị của mình. Ví dụ, người ta thường bố trí một quả dứa bằng đá ở trên cổng để thể hiện sự hiếu khách”.
Ngày nay vẫn còn nhiều nhà trang trí dứa đá ở trên cổng, kể cả một số tòa nhà hoàng gia, như điền trang Dunmore Park (Scotland) - nơi ở cũ của Bá tước Dunmore, nổi bật là một tòa tháp hình quả dứa cao 16m. Ngoài ra có thể kể đến hình quả dứa được trang trí trên chiếc cúp Wimbledon, được trao cho người thắng giải quần vợt Đơn nam.
Kể từ khi dứa được nhập khẩu với số lượng lớn từ năm 1820, loại quả này dần đánh mất vị thế ban đầu. Beauman lý giải: “Vào năm 1850, khoảng 200.000 quả dứa được nhập khẩu vào Anh ở bến tàu London mỗi năm. Sau đó, khi công nghệ điện lạnh và đóng hộp ra đời, dứa càng trở nên phổ biến hơn”.
Dù vậy, dứa vẫn chiếm một vị trí đặc biệt, không thể phai mờ trong lòng người dân xứ sở sương mù. Trong cuốn tiểu thuyết David Copperfield của nhà văn Charles Dickens, nhân vật David nói nếu anh có tiền, anh sẽ có cà phê và bánh mì, nhưng khi trắng tay, anh liền đi bộ tới khu Covent Garden và “ngước nhìn những quả dứa”. Theo Beauman, quả dứa vẫn khiến nhiều người liên tưởng đến hình ảnh của một thế giới xa hoa trong quá khứ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn